Ông Trần Tây Sơn là học viên chương trình liên kết đào tạo giữa Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Đại học Soongsil (Hàn Quốc). Vừa qua, ông Sơn gửi hồ sơ đến Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị được công nhận văn bằng thạc sĩ. Hồ sơ kèm theo Chứng chỉ ngoại ngữ FCE bậc 2 châu Âu do Đại học Cambridge cấp.
Tuy nhiên, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thông báo không chấp nhận Chứng chỉ FCE và đề nghị ông Sơn bổ sung Chứng chỉ IELTS 6.0 hoặc TOEFL tương đương.
Ông Sơn hỏi, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục giải quyết như vậy có đúng không? Ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận văn bằng thạc sĩ của ông.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Do đặc điểm của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thực hiện giảng dạy và học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh (không qua phiên dịch) nên người học cần bảo đảm năng lực tiếng Anh do các trường đại học ở nước ngoài quy định, chi tiết trong Đề án xin cấp phép và Quyết định phê duyệt cho chương trình liên kết đào tạo.
Ông Trần Tây Sơn đã học chương trình liên kết đào tạo giữa trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và trường Đại học Soongsil (Hàn Quốc). Chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thực hiện tại Quyết định số 3557/QĐ-BGDĐT ngày 19/8/2011. Quyết định cấp phép cho chương trình nêu rõ yêu cầu đối tượng tuyển sinh phải có trình độ tiếng Anh IELTS 6.0 hoặc tương đương (trình độ tiếng Anh đầu vào).
Chỉ chấp nhận chứng chỉ IELTS và TOEFL
Chứng chỉ Cambridge FCE (trình độ B2) theo khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR) tương đương với trình độ IELTS từ 5.5 đến 6.5; hoặc TOEFL 500 đến 550. Tuy nhiên, các trường đại học ở nước ngoài tuyển sinh chỉ chấp nhận chứng chỉ IELTS và chứng chỉ TOEFL thi tại Việt Nam mà chưa chấp nhận các chứng chỉ khác.
Hiện nay, chỉ có chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL minh chứng năng lực ngoại ngữ để sử dụng cho việc đi du học hoặc theo học các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài học 100% bằng tiếng Anh. Các chứng chỉ khác thi tại Việt Nam tương đương trình độ B2 CEFR chưa được chấp nhận cho người học chương trình liên kết đào tạo bởi các lý do sau:
- Công nhận văn bằng cũng có thể coi là giai đoạn hậu kiểm việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo. Từ khi Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 ban hành đến nay, hàng nghìn cá nhân nộp hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng theo học chương trình liên kết đào tạo có kèm theo chứng chỉ tiếng Anh B2 FCE của Cambridge thi tại nhiều cơ sở trong nước, và chứng chỉ tiếng Anh B2 do các trường đại học trong nước cấp.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản đề nghị bổ sung chứng chỉ tiếng Anh ở mức tối thiểu trong dải điểm B2 CEFR là TOEFL 500 (paper) hoặc IELTS 5.5 đáp ứng yêu cầu của chương trình liên kết đào tạo tại Quyết định phê duyệt của chương trình.
Tuy nhiên sau 2-3 năm, nhiều cá nhân có văn bằng trong khuôn khổ chương trình liên kết đào tạo có thể cung cấp được chứng chỉ Cambridge FCE (trình độ B2) thi tại các Trung tâm của Việt Nam, nhưng không thể thi được mức điểm TOEFL 500 hoặc IELTS 5.5 (mức điểm thấp hơn nhiều yêu cầu ngoại ngữ cho sinh viên du học tại trường cấp bằng - IELTS 6.5 hoặc TOEFL 550).
- Nhiều trường hợp học chương trình liên kết đào tạo trong nước có chứng chỉ Cambridge FCE thi tại Việt Nam và chứng chỉ B2 CEFR thi tại các trường đại học tại Việt Nam cấp đã nộp chứng chỉ TOEFL và IELTS giả cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.
- Báo chí trong thời gian qua đã đưa tin về hiện trạng tổ chức thi và cấp chứng chỉ B1, B2, C1, CEFR có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng, không đánh giá đúng năng lực của người học.
Bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ để công nhận văn bằng
Theo nghiên cứu của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, hiện nay ở Việt Nam có 18 trung tâm trên khắp cả nước tổ chức thi và cấp chứng chỉ Cambridge FCE (trình độ B2).
Trong thư phản ánh ông Trần Tây Sơn có thắc mắc về chi phí: "chi phí thi chứng chỉ IELTS và TOEFL đắt đỏ trong khi chi phí thi chứng chỉ FCE Cambridge exam thấp hơn". Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã liên hệ với các Trung tâm tổ chức thi và cấp chứng chỉ Cambridge FCE (trình độ B2) tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhận được thông báo về lệ phí thi cao hơn lệ phí thi chứng chỉ TOEFL (ITP) được đăng tải công khai trên website của IIG Việt Nam.
Cụ thể, thi chứng chỉ Cambridge FCE tại Trung tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, lệ phí là 1.095.000 đồng, và tại Trung tâm OEA Vietnam lệ phí là 1.420.000 đồng. Thi chứng chỉ TOEFL (paper) tại IIG Việt Nam lệ phí là 790.000 đồng.
Ông Trần Tây Sơn đã thi và được cấp chứng chỉ Cambridge FCE (trình độ B2) tại TP. Hồ Chí Minh ngày 4/5/2016. Chứng chỉ của ông được cấp sau khi ông tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo, đồng nghĩa với việc ông không đáp ứng quy định tuyển sinh của chương trình theo Quyết định số 3557/QĐ-BGDĐT ngày 19/8/2011.
Tuy nhiên, việc tuyển sinh là trách nhiệm của đơn vị thực hiện chương trình liên kết đào tạo nên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và các đơn vị trong Bộ đã nhất trí ủng hộ để ông Sơn chứng minh năng lực tiếng Anh Bằng chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL (việc yêu cầu chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL áp dụng chung cho đối tượng tuyển sinh của tất cả các chương trình liên kết đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh tại Việt Nam).
Để bảo đảm quyền lợi của người học, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề nghị ông Sơn với năng lực tiếng Anh mới thi đạt trình độ B2 Cambridge CFE (tương đương TOEFL từ 500 đến 550 điểm) vào ngày 4/5/2016 chuyển sang thi chứng chỉ mà Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã thông báo cho trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tại Công văn số 950/KTKĐCLGD-VB ngày 5/6/2014. Cụ thể là chứng chỉ TOEFL (ITP) với lệ phí thi thấp hơn chứng chỉ CFE của Cambridge để Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện thẩm định và cấp Giấy công nhận văn bằng.
Hiện nay, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đang phối hợp với các đơn vị chức năng để hoàn thiện Quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam và thành lập Trung tâm Khảo thí ngoại ngữ quốc gia. Khi đó, chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ được bảo đảm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể yên tâm sử dụng các chứng chỉ của Trung tâm Khảo thí ngoại ngữ quốc gia để đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào của các chương trình liên kết đào tạo tương tự như chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ