Chống chuyển giá, khó và hổng từ quy định

21/11/2016 08:30 AM

Câu chuyện chuyển giá tại Việt Nam thời gian qua không ít lần khiến dư luận dậy sóng, bởi vấn đề liên quan tới các tập đoàn đa quốc gia. Tuy vậy, hoạt động chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn ngay từ việc xây dựng các quy định để phòng ngừa. Hiện nay, hành lang pháp lý cao nhất là căn cứ để chống chuyển giá mới dừng ở cấp thông tư, còn nghị định vẫn đang ở dạng dự thảo.

Cơ quan thuế đang gặp nhiều khó khăn trong chống chuyển giá. Ảnh: GDT.

Việt Nam là thiên đường chuyển giá?

Chuyện chuyển giá ở Việt Nam chỉ nóng lên từ khoảng năm 2012, với nghi án chuyển giá của Cocacola, PepsiCo, còn mới đây là hệ thống siêu thị Metro, BigC… Nhưng hầu hết mới chỉ dừng ở dạng “nghi án”. Thực tế, hiện cơ sở pháp lý của Việt Nam để chống chuyển giá còn rất sơ khai, khi mới chỉ dừng ở mức thông tư do Bộ Tài chính ban hành (Thông tư 66/2010Thông tư 201/2013). Không ít lần cơ quan thuế phải thừa nhận, công tác chống chuyển giá rất khó, không chỉ ở mức độ tinh vi của các doanh nghiệp (DN), tập đoàn đa quốc gia, còn tới từ khuôn khổ pháp lý vừa thiếu, vừa yếu của Việt Nam.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Cty Luật BASICO) cho biết, hiện cả công tác chống chuyển giá và cơ sở pháp lý cho hoạt động này của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo ông Đức, đối tượng chính hướng tới của chống chuyển giá phải là các tập đoàn đa quốc gia, vì đi liền với đầu tư nước ngoài luôn ẩn chứa chuyển giá. “Trong nước, quy định sao các DN phải làm vậy, nhưng với nước ngoài phải sòng phẳng. Quy định ở luật mới đủ tính pháp lý, còn nghị định, thông tư chỉ là văn bản hướng dẫn, giải thích thêm”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, hiện quy định gốc về chuyển giá là ở các đạo luật của Việt Nam gần như trống không, nên khó xử lý kể cả khi ra tòa. Vì vậy, hoạt động chống chuyển giá gần như mang tính suy luận, đánh giá cảm tính của người thực hiện, không rõ ràng. Ông Đức dẫn lại trường hợp của Cocacola, PepsiCo Việt Nam, các tập đoàn này nắm rất rõ luật Việt Nam, họ làm không sai luật nên đấu tranh rất khó, chỉ ở mức hô hào, tuyên truyền lên án để gây sức ép.

Luật sư Đức đồng tình với đánh giá “Việt Nam đang là thiên đường cho chuyển giá”. Tuy vậy, tình trạng này còn có nguyên nhân tới từ sự thiếu rõ ràng, minh bạch, tiêu cực, nhũng nhiễu trong lĩnh vực thuế tại Việt Nam. Ông Đức phân tích, dù có chuyển giá, chuyển lợi nhuận về công ty mẹ, hay nước thứ 3 thì các công ty vẫn phải đóng thuế, nhưng về các nước đó thuế rõ ràng, không bị nhũng nhiễu, tiêu cực nên đóng thuế cũng thoải mái hơn. “Ở nước ta hiện nay gần như không có DN nào làm thẳng tưng được, vì làm đúng quá khó”, ông Đức nói.

Được biết, để chống chuyển giá, năm 2015, Bộ Tài chính đã thành lập 4 phòng thanh tra giá chuyển nhượng thuộc 4 cục thuế (Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương), nơi có số lượng lớn các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng lập 1 phòng thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Tổng cục Thuế. Qua thanh kiểm tra 420 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết trong năm 2015, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 4.895 tỷ đồng; giảm lỗ 3.104 tỷ đồng; giảm khấu trừ 206 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 801 tỷ đồng. Năm 2014, cơ quan thuế thanh tra chuyển giá 5 doanh nghiệp cũng truy thu được 300 tỷ đồng.

Vẫn là giải pháp tạm thời

Để chống chuyển giá hiệu quả hơn, mới đây Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định về quản lý giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước. Nếu được Thủ tướng ký ban hành, đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam có những quy định về chống chuyển giá ở cấp nghị định.

Theo dự thảo nghị định này, đối tượng áp dụng được quy định rất rõ; các phương pháp xác định giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Đặc biệt, dự thảo đã đưa ra quy định chi tiết về 12 trường hợp được xác định là các bên có quan hệ liên kết, từ tỷ lệ nắm giữ vốn, bao tiêu sản phẩm, nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ tới các quan hệ gia đình, người thân, đặt cùng trụ sở, người lãnh đạo…

Dự thảo nêu rõ: Người nộp thuế có quan hệ liên kết (thuộc 1 trong 12 trường hợp trên) phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết; Kê khai loại trừ các yếu tố làm sai lệnh nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện tương đồng.

Đặc biệt, tại dự thảo này, lần đầu tiên khái niệm cơ quan nhà nước sẽ dùng nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức”, để không công nhận các giao dịch liên kết và thực hiện điều chỉnh giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết, từ đó xác định nghĩa vụ thuế.

Tuy lần đầu một nghị định về chống chuyển giá được xây dựng, nhưng theo Luật sư Trương Thanh Đức, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, vẫn phải quy định rõ trong một đạo luật. Cơ quan chức năng phải trả lời được câu hỏi: Quy định ra sao, thực thi thế nào mà các DN không thích nộp thuế ở Việt Nam?

Giáo sư  Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng, chuyện trốn thuế, lậu thuế ở Việt Nam rất nhiều, tất cả DN từ to tới nhỏ ai cũng tìm cách trốn thuế. “DN ở Việt Nam lúc nào cũng có 2 sổ kế toán, 1 dùng cho giao dịch với cơ quan thuế và 1 dùng nội bộ”, ông Mại nói. Theo vị chuyên gia này, nhiều nước hiện áp dụng phương pháp thương lượng để tính thuế. “Không thể tính toán rõ ràng thuế với họ thì có thể đàm phán thuế theo gói ở mức mà 2 bên chấp nhận được. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng góp ý Việt Nam nên làm như vậy”, ông Mại nói.

Theo dự thảo, để so sánh xác định giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết, cơ quan nhà nước có thể áp dụng 1 trong 5 phương pháp, gồm: So sánh giá giao dịch độc lập; giá bán lại; giá vốn cộng lãi; so sánh lợi nhuận; phân bổ lợi nhuận. Việc lựa chọn phương pháp sẽ căn cứ vào bản chất và phương pháp tính hơn là tên gọi của phương pháp. Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đưa ra các quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác chống chuyển giá giữa các cơ quan nhà nước…

Lê Hữu Việt

Theo Tiền phong

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,593

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]