Cần đưa bữa ăn giữa ca vào luật

15/04/2017 07:57 AM

Đó là chia sẻ của bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), trước thềm cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với công nhân miền Trung vào ngày 22-4 sắp tới.

Là cán bộ CĐ lâu năm tại một doanh nghiệp (DN) chuyên gia công các sản phẩm da giày, hơn ai hết, tôi hiểu rất rõ nỗi cực nhọc, vất vả của anh chị em công nhân (CN), những người đóng góp rất lớn vào sự phát triển của DN. Xa quê kiếm sống, mong ước lớn nhất của họ là có việc làm và thu nhập ổn định. Hiểu được suy nghĩ ấy của người lao động (NLĐ) nên gần chục năm qua, ban giám đốc và CĐ cơ sở luôn phối hợp chặt chẽ trong việc ổn định đời sống NLĐ. Nhờ vậy, gần 400 công nhân (CN) được bảo đảm thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng. Ý thức được NLĐ phải có sức khỏe tốt mới có thể làm việc có năng suất và gắn bó lâu dài, công ty đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca. Mới đây, ban giám đốc công ty đã đầu tư 250 triệu đồng nâng cấp toàn bộ căng-tin. Được ban giám đốc tin tưởng giao quản lý căng-tin, CĐ cơ sở đứng ra tổ chức nấu ăn tại chỗ cũng như giám sát chất lượng bữa ăn hằng ngày. Các vấn đề liên quan như lưu mẫu thực phẩm và kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên nấu bếp luôn được thực hiện nghiêm ngặt. Thực đơn được thay đổi thường xuyên để CN luôn thấy ngon miệng. CĐ cơ sở còn lập hộp thư góp ý để CN phản ánh về chất lượng bữa ăn; những thiếu sót dù nhỏ cũng sẽ được CĐ cơ sở lập tức chấn chỉnh. Bữa ăn được nâng chất khiến tinh thần làm việc của anh em CN rất hứng khởi, năng suất lao động cũng được cải thiện.

Qua thông tin phản ánh trên Báo Người Lao Động, chúng tôi thực sự lo lắng khi nhiều DN “khoán trắng” chất lượng bữa ăn giữa ca cho nhà thầu cung cấp suất ăn công nghiệp. Vì lợi nhuận, nhiều nhà thầu đã sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn cho CN. Chất lượng bữa ăn không bảo đảm, vậy làm sao CN có đủ sức khỏe làm việc lâu dài? Một khảo sát nhỏ do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện tại các công ty ở một số khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ cho thấy mỗi suất ăn dành cho CN chỉ có giá 8.000-10.000 đồng. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong buổi giao ban với báo chí mới đây đã phải thốt lên: “9.000 đồng/bữa ăn, không biết CN ăn gì?”.

DN luôn đòi hỏi NLĐ phải tăng năng suất lao động nhưng lại không quan tâm cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Hiện nay, quy định của pháp luật không bắt buộc phải có bữa ăn giữa ca cho NLĐ và điều này càng khiến NLĐ không có cơ hội cải thiện thể chất. Trước thực tế chất lượng bữa ăn ca của NLĐ ở nhiều DN đang bị xem nhẹ, để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nghị quyết về “Nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ”. Với nỗ lực của các cấp CĐ, đến nay, 25.545 DN có CĐ cơ sở tổ chức bữa ăn giữa ca cho NLĐ (chiếm 58,7% tổng số DN).

Thiết nghĩ, nỗ lực của các cấp CĐ và cái tâm của DN thôi vẫn chưa đủ để CN cải thiện sức khỏe về lâu dài. Sắp tới, Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Lao động, chúng tôi mong mỏi Chính phủ cần nghiên cứu đưa bữa ăn giữa ca thành quy định bắt buộc giống tiền lương, BHXH, BHYT. Khi đó, DN bắt buộc phải đưa nội dung này vào thỏa ước lao động, giống chế độ lương thưởng, có như vậy CN mới gắn bó lâu dài với nơi làm việc.

Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM)

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,013

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]