Người gây oan sai cần được tham gia thỏa thuận bồi thường

15/05/2017 10:04 AM

Thời gian qua, Nhà nước đã phải bỏ ra một số tiền lớn lên đến hàng chục tỉ đồng để bồi thường cho người bị oan sai do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.

Tuy nhiên, số tiền thu hồi nộp vào ngân sách từ trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây ra oan sai chỉ là “hạt cát giữa sa mạc”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như quy định pháp luật chưa chặt chẽ, còn có sự ưu ái đối với người thi hành công vụ... Thêm vào đó là sự thờ ơ, thiếu quyết liệt của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu hồi, nhất là do trốn tránh, chây ỳ của những người có nghĩa vụ hoàn trả.

Theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản có liên quan thì trên cơ sở yêu cầu của người bị oan sai, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường tiến hành thỏa thuận bồi thường với người bị oan sai. Sau đó mới xác định trách nhiệm của những người liên quan gây oan sai để tiến hành thu hồi số tiền đã bồi thường nộp lại ngân sách.

Có thể nói việc thỏa thuận trước khi bồi thường cho người bị oan sai là thủ tục rất quan trọng, cần thiết.

Bởi vì hiện nay có rất nhiều nội dung, các khoản thiệt hại chưa được quy định cụ thể, thậm chí nếu có thì cũng rất khó chi tiết, chính xác 100% được, vì vậy cần có sự xem xét, bàn bạc, thống nhất từ cả hai phía.

Tuy nhiên, có vấn đề phức tạp nảy sinh, đó là khi tiến hành thỏa thuận bồi thường chỉ có cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường và người bị oan sai.

Trong khi đó, một chủ thể rất quan trọng khác là những người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra oan sai lại không được tham gia thỏa thuận bồi thường.

Chính điều này đã gây ra phản ứng, không đồng tình của những người gây ra thiệt hại trong việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả.

Để vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai được hoàn thiện, phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống, các cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp. Theo đó, cần đưa người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là một bên tham gia thỏa thuận, đàm phán trong quá trình giải quyết bồi thường cho người bị oan sai.

Điều này nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người thi hành công vụ gây oan sai khi thực hiện nghĩa vụ hoàn trả.

Đồng thời, đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các bên trong giải quyết bồi thường oan sai, không chỉ đối với người bị oan sai mà cả đối với cơ quan, cá nhân có liên quan khi thực hiện nghĩa vụ bồi thường, nghĩa vụ hoàn trả.

Một số trường hợp người thi hành công vụ gây ra oan sai không chịu hoàn trả tiền cho ngân sách, vì cho rằng thỏa thuận bồi thường không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Theo những người này, thỏa thuận bồi thường mà không có sự tham gia của họ là không khách quan, công bằng.

Có trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả cho rằng cơ quan có trách nhiệm bồi thường vì muốn tránh tiếng xấu, tránh dư luận, muốn khép lại vụ việc càng nhanh càng tốt nên đã nhượng bộ người bị oan sai, chấp nhận những khoản bồi thường không hợp lý, không chính đáng.

Phạm Văn Chung

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,954

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]