PGS.TS Đoàn Lê Giang (Ảnh: Lê Văn)
Không ảnh hưởng tới người giỏi
Ông có nghĩ bỏ biên chế thì ngành giáo dục sẽ có được những giáo viên giỏi?
- Giáo dục là một ngành rất đặc thù, muốn làm giáo viên người ta phải đầu tư học vấn lâu dài, nên ai cũng muốn ổn định. Nếu bỏ biên chế và chuyển sang hợp đồng khiến cho giáo viên bất an thì đó cũng là một vấn đề cần phải tính đến.
Nhưng tôi nghĩ đối với những giáo viên có trình độ khá giỏi, được đào tạo chính quy thì việc bỏ biên chế không ảnh hưởng gì đến họ, vì ở đâu cũng cần những người tài giỏi, đạo đức tốt, làm việc hiệu quả.
Còn đối với những giáo viên có trình độ chắp vá, việc bỏ biên chế khiến họ lo lắng thì đó lại là một tín hiệu tích cực của chủ trương này.
Vậy theo ông nên làm thế nào để việc bỏ biên chế có tính khả thi, vì chuyện này nếu làm không tốt dễ gây rối loạn đối với giáo viên?
- Khi thực hiện vấn đề này cần chú ý tới một số điều.
Thứ nhất, cần có quy định riêng đối với những giáo viên có thâm niên cống hiến, đã dành gần trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Có thể quy định những giáo viên nằm trong độ tuổi từ 45 tuổi trở lên và có trên 20 năm tuổi nghề thuộc diện này. Còn những giáo viên mới tuyển dụng hay thâm niên chưa lâu thì cần xem xét trình độ, quá trình đào tạo và ý thức nghề nghiệp để cân nhắc mỗi khi đến hạn ký hợp đồng.
Thứ hai, bỏ biên chế, trao quyền tuyển dụng, hủy hợp đồng cho người đứng đầu cần phải thực hiện công khai và dân chủ, tránh lãnh đạo có thể lạm quyền như người ta dùng chế độ hợp đồng để loại những giáo viên giỏi, ngay thẳng mà không “ăn cánh” với mình, nhưng lại tuyển dụng những những người yếu kém theo kiểu “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” như dân gian nói.
Hiện nay theo phản ánh của báo chí và quan sát thực tế, thì nhiều lãnh đạo các trường học đang được ví như những “ông vua con” và tình trạng mất dân chủ trong trường học là hoàn toàn có thật. Nếu không có dân chủ trong trường học mà thực hiện chủ trương bỏ biên chế trong nhà trường có thể gây xáo trộn, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống giáo viên.
Để đánh giá khả năng chuyên môn của một giáo viên, cần có ý kiến của hội đồng sư phạm, và nếu cần có thể tham khảo ý kiến của một đơn vị độc lập, có chuyên môn cao như các trường đại học chẳng hạn.
Cần quy định lại tiêu chí trường được đào tạo sư phạm
Trước năm 1975 nhà nước thực hiện phân công sư phạm nên sinh viên sư phạm ra trường rất ít thất nghiệp. Ông có nghĩ bỏ biên chế sẽ khiến tình trạng thất nghiệp đáng lo lắng hơn?
- Trong quá khứ, việc đào tạo ra được người giáo viên rất khó khăn. Vì nghề giáo là nghề cao quý và có thu nhập tốt, nên rất nhiều học sinh ưu tú thi vào. Vì thế các trường sư phạm là những trường có chất lượng cao nhất trong hệ thống đại học. Danh tiếng của các trường ấy đến nay người ta vẫn còn biết đến như: Trường CĐ Sư phạm Đông Dương, Trường Trung học Sư phạm Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội... Thế nhưng, sau này số lượng học sinh tăng vọt, việc đào tạo đại học theo kiểu tinh hoa không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, nên người ta tuyển giáo viên từ rất nhiều nguồn, trong tình hình hệ thống đại học bung ra một cách vô tội vạ.
Trước đây việc đào tạo đại học cho ngành sư phạm chỉ dành cho các thành phố trung tâm, còn các tỉnh chỉ đào tạo cấp cao đẳng trở xuống. Đến nay thì các trường trung cấp, cao đẳng được nâng lên thành đại học hết, các tỉnh cũng đào tạo cả giáo viên cấp 3, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ. Bên cạnh đó, không ít người thi rớt đại học sư phạm, về tỉnh học đại học tư thục, dân lập, tại chức, liên thông liên kết, sau đó học thêm một khoá sư phạm ngắn hạn là trở thành giáo viên dạy cấp 2, cấp 3.
Nhìn sang các nước có nền giáo dục tiên tiến, để có thể đào tạo được một người giáo viên không hề dễ chút nào. Người ta phải căn cứ vào số lượng giáo sư, tiến sĩ của trường đại học để xác định chất lượng. Có nước còn quy định trường đại học phải đào tạo được 18 chuyên ngành tiến sĩ (tức là có hàng trăm giáo sư, tiến sĩ) thì mới được cấp bằng cử nhân, và có bằng cử nhân thì mới đi học nghiệp vụ sư phạm hàng năm trời để trở thành giáo viên. Chứ không phải như ở ta, có trường chỉ có vài ba ông tiến sĩ nhưng xin được mã ngành sư phạm là có thể đào tạo giáo viên.
Vì vậy việc quy hoạch lại hệ thống đại học, quy định trường đại học như thế nào mới được đào tạo sư phạm là cần thiết.
Tất nhiên, không phải tất cả những người học ở trường yếu thì cũng đều yếu kém vì còn có năng lực và sự nỗ lực cá nhân, nhưng những cá nhân có quá trình quá trình đào tạo không chính quy, thành tích học tập không tốt thì cần đưa vào diện xem xét. Nếu muốn thanh lọc giáo viên yếu kém, không chỉ căn cứ vào bằng cấp hiện tại là thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, mà còn phải xem cá nhân ấy học ở trường nào, điểm thi đại học bao nhiêu, thành tích học ở phổ thông thế nào, bên cạnh việc đánh giá trình độ, năng lực sư phạm, phẩm chất đạo đức, thái độ công việc hiện tại.
Tôi nghe một người bạn làm trưởng phòng giáo dục một huyện nói giáo viên của huyện ấy 2/3 là tốt nghiệp đại học dân lập tỉnh bên. Tôi đã từng có một cuộc điều tra bỏ túi trong một lớp bồi dưỡng giáo viên cho thấy, trong số 30 người thì chỉ 5 người tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM, còn lại 25 người học các trường sư phạm tỉnh mới nâng lên đại học, hoặc tốt nghiệp hệ vừa làm vừa học hay liên thông liên kết. Rõ ràng với việc tuyển dụng như vậy thì còn chỗ đâu cho những sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm chính quy, hay các đại học danh tiếng khác.
Xin cảm ơn ông.
Câu hỏi dành cho cả xã hội Vấn đề cơ bản của giáo dục có 4 yếu tố là thầy - trò - chương trình - cơ sở vật chất. Trong bốn yếu tố này thì sơ sở vật chất, chương trình sách giáo khoa có thể thay đổi không khó khăn lắm. Nhưng hai yếu tố thuộc về con người là thầy và trò là vấn đề quan trọng và nan giải nhất. Theo tôi, câu hỏi làm cách nào để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên có lẽ không chỉ dành riêng cho Bộ GD-ĐT mà của cả xã hội. Đây cũng là vấn đề nhức nhối lâu nay trong ngành giáo dục mà người ta ngại đụng đến nhất. |
Lê Huyền (thực hiện)
Theo Vietnamnet