Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp có đề cập đến việc bỏ một số giấy tờ của công dân trong một số giao dịch hành chính.
Chẳng hạn như khi làm quốc tịch thì bỏ thủ tục thông báo có quốc tịch nước ngoài; hộ tịch thì bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; đăng ký khai sinh thì bỏ quy định xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn)...
Bỏ ngay một số giấy tờ chỉ là hiểu nhầm
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long
Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm chiều qua, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nghị quyết 58 chỉ mới đưa ra phương án đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực giấy tờ công dân chứ chưa phải bắt buộc áp dụng ngay.
Trong nghị quyết này có giao cho Bộ Tư pháp rà soát để sửa đổi, bổ sung phù hợp và thích ứng các văn bản quy phạm pháp luật có chứa các thủ tục này.
“Nghị quyết của Chính phủ không phải văn bản quy phạm pháp luật và nhiều thủ tục phải được xử lý ở tầm luật”, Bộ trưởng giải thích và đề nghị các sở Tư pháp triển khai gấp việc này.
Bởi lẽ, nghị quyết đã công bố và thậm chí người dân còn hiểu nhầm là đã bỏ ngay một số loại giấy tờ.
“Đây là Bộ Tư pháp chủ động làm chứ không cần văn bản đôn đốc hoặc văn bản về mặt hành chính nào của cấp trên xuống”, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định.
Trao đổi thêm với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, nghị quyết 58 chỉ là định hướng để giao việc, định hướng trong tương lai chứ chưa phải bỏ một số giấy tờ ngay được.
Việc bỏ một số giấy tờ công dân chỉ thực hiện được khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được thống nhất.
“Theo luật Hộ tịch, dự kiến chậm nhất đến 1/1/2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu điện tử, trên đó đã có tất cả thông tin của người dân nên các cơ quan nhà nước làm thủ tục không được yêu cầu người dân khai báo nữa”, Thứ trưởng giải thích.
Theo ông, cái khó nhất hiện nay là không có tiền để đồng bộ các hệ thống dữ liệu điện tử, trong khi việc này đòi hỏi đầu tư rất lớn.
Năm 2020 mới chính thức bỏ hàng loạt giấy tờ
Cục trưởng Cục Quốc tịch, hộ tịch và chứng thực Nguyễn Công Khanh thông tin thêm, vấn đề này không chỉ có mỗi nghị quyết 58 mà còn mười mấy nghị quyết của các bộ ngành khác.
Tại Hà Nội, khi bố mẹ đi làm trích lục cho trẻ sinh từ 1/1/2016 chỉ cần điền vào tờ khai số định danh của trẻ mà không phải trình bất cứ giấy tờ nào khác, kể cả giấy chứng nhận kết hôn như trước đây
“Tinh thần của nghị quyết bao giờ cũng nói có hiệu lực từ ngày này, ngày kia nhưng có thực hiện được hay không phụ thuộc vào sự hoàn thiện của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nói cách khác, khi nào cơ sở này hoàn thiện và kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cũng như các cơ sở dữ liệu khác thì mới thực hiện được việc miễn, giảm giấy tờ trong thủ tục hành chính, chứ không phải tự động thực hiện theo các nghị quyết”, ông Khanh nói.
Từ 1/1/2020, theo luật Hộ tịch và luật Căn cước công dân, hai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hộ tịch phải hoàn thiện và kết nối với nhau. Khi đó mới chính thức áp dụng để cắt giảm giấy tờ, thủ tục hành chính.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an đang thực hiện. Còn cơ sở dữ liệu về hộ tịch, Bộ Tư pháp đã thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành, trong năm nay triển khai thêm 13 tỉnh nữa.
“Những địa phương nào thí điểm đã kết nối cơ sở dữ liệu, về lý thuyết có thể giảm được giấy tờ ngay. Ví dụ như Hà Nội đi xin trích lục cho trẻ khai sinh từ 1/1/2016 chỉ cần điền vào tờ khai nói số định danh của trẻ thì lập tức trong hệ thống báo ngay, bố mẹ không phải trình bất cứ giấy tờ gì”, ông Khanh dẫn chứng.
Thu Hằng
Theo VietNamnet