Giấy lưu hành xe của chủ ôtô khi vay thế chấp tại ngân hàng. Ảnh: Phương Sơn
Vừa vui mừng khi hay tin Chính phủ đồng ý cho chủ ôtô vay thế chấp ngân hàng không phải mang giấy tờ gốc khi tham gia giao thông, anh Trần Anh Tuấn ở Cầu Giấy (Hà Nội) lên mạng tìm hiểu Văn bản 8601 của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 15/8 thì được biết ngoài "giấy lưu hành xe của ngân hàng", chủ xe còn phải mang theo giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực khi tham gia giao thông.
Theo cách hiểu của anh Tuấn, "giấy biên nhận" thực chất là giấy xác nhận của ngân hàng về việc nhận thế chấp chiếc xe và giữ đăng ký xe bản gốc. "Thêm giấy biên nhận đồng nghĩa với việc thêm một giấy phép con, lại phải đi xin ngân hàng, mất thời gian và quá phiền hà", anh nói.
Mua ôtô cách đây hai tháng, vay ngân hàng 50%, thủ tục xong, anh Tuấn được ngân hàng cấp cho một giấy "lưu hành xe", thời hạn 3 tháng, có xác nhận dấu đỏ của ngân hàng, kèm theo ảnh photocopy giấy đăng ký xe. "Tôi nghĩ giấy tờ này là đủ vì trong đó có đủ thông tin của chủ xe, xác nhận của ngân hàng và thỏa thuận giữa hai bên nên việc phải mang theo giấy biên nhận của ngân hàng là thừa thãi", anh Tuấn than.
Như anh Tuấn, anh Hoàng Đình Tuyển (ở Hoàng Mai, Hà Nội) vay ngân hàng để mua ôtô song chỉ nhận được một bản khế ước nhận nợ có dấu đỏ của ngân hàng gồm khoảng 10 trang ghi nhiều điều khoản. "Không có giấy biên nhận nào cả, giờ 'kiếm' ở đâu?", anh than và cho rằng nếu thiếu sẽ đối mặt với việc bị cảnh sát giao thông xử phạt. "Khác gì với việc phạt chủ xe không mang theo giấy tờ gốc", anh nói.
Theo khảo sát tại một số ngân hàng, hiện khi làm hợp đồng vay, khách hàng không được giao "giấy biên nhận". Khi hoàn tất giao dịch, ngân hàng đưa khách hàng một giấy lưu hành xe có đóng dấu đỏ. "Từ trước tới nay, khách hàng chỉ có duy nhất một loại giấy đó", một cán bộ ngân hàng ở Hà Nội cho hay.
Nhiều tài xế cho rằng, việc phải mang thêm giấy biên nhận của ngân hàng cùng giấy lưu hành xe sẽ gây phiền hà. Ảnh minh họa: Phương Sơn
Cũng theo một số ngân hàng ở Hà Nội, việc quy định mang thêm giấy biên nhận sẽ gây khó cho chủ phương tiện và ngân hàng. Có thể sau chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng sẽ phải nghiên cứu mẫu "giấy biên nhận" để giao cho khách hàng.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, quyết định của Chính phủ về việc cảnh sát giao thông không xử phạt chủ ôtô vay thế chấp ngân hàng khi lưu thông không có giấy tờ gốc là hợp tình hợp lý. Tuy nhiên việc quy định thêm giấy biên nhận thì không cần thiết. Bản chất của hai loại giấy tờ này có giá trị pháp lý như nhau, đều có dấu và xác nhận của ngân hàng.
"Để có được giấy lưu hành tức là người mua đã phải bắt buộc có đủ hồ sơ, giấy tờ vay nợ. Vậy chỉ cần một loại giấy thông hành có xác nhận của ngân hàng và có dấu công chứng cũng có đủ giá trị", một chuyên gia luật phân tích.
Trao đổi với VnExpress về việc này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết đã nắm được chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên để ra được văn bản hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, Cục đang chờ văn bản gốc từ Chính phủ, Bộ Công an để có căn cứ đưa ra các hướng giải quyết tiếp theo.
Ngày 15/8, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc gửi các bộ Công an, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh thành thông báo việc sử dụng giấy đăng ký phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp tại tổ chức tín dụng.
Theo công văn, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý cho người điều khiển ôtô được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực.
Hai loại giấy tờ này được thay cho bản chính Giấy đăng ký để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện
Trước đó, người mua ôtô vay thế chấp ngân hàng "mắc kẹt" khi nhà băng muốn giữ bản gốc đăng ký xe như một phần của tài sản thế chấp, còn phía cảnh sát giao thông cho rằng theo luật người đi đường phải mang theo bản chính giấy tờ xe, nếu không sẽ bị phạt 200.000-400.000 đồng.
Phương Sơn
Theo Vnexpress