Người sử dụng lao động (NSDLĐ) chỉ được sa thải NLĐ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ trong một số trường hợp nhất định theo Bộ luật Lao động 2012 (Điều 38, Điều 126); ngoài ra, mọi hành vi chấm dứt HĐLĐ với NLĐ đều bị coi là trái pháp luật.
Tùy vào mức độ vi phạm của hành vi chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật mà NSDLĐ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP (Điều 15) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 1999 (Điều 128).
Bởi vậy, để tránh cảnh “cuối năm, NLĐ bị NSDLĐ đuổi việc nhằm khỏi phải thưởng Tết” thì NLĐ cần phải làm việc tốt, chấp hành đúng quy định của công ty và pháp luật lao động của Nhà nước. Cụ thể, như sau:
1. NLĐ không được trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ.
2. Nếu NLĐ đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương thì không được tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật.
3. Nếu NLĐ đã bị xử lý kỷ luật cách chức thì không được tái phạm.
4. NLĐ không được tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
5. NLĐ cần phải cố gắng để hoàn thành công việc theo HĐLĐ.
6. NLĐ cần phải có mặt tại nơi làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ theo Điều 33 của Bộ luật Lao động 2012.
Thanh Hữu