Về vấn đề nêu trên, nếu Quốc hội đồng ý tạm dừng tăng lương cơ sở thì:
1. Từ 01/7/2020, lương cơ sở vẫn giữ mức 1.490.000 đồng/tháng
Ngày 09/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2019.
Ngày 12/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết 86/2019/QH14 quyết định về việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 01/7/2020.
Như vậy, nếu Quốc hội đồng ý với phương án Chính phủ đưa ra thì kể từ ngày 01/7/2020 cho đến khi có quy định mới, lương cơ sở vẫn sẽ giữ mức 1.490.000 đồng/tháng/
2. Có thể hoãn thực hiện việc cải cách tiền lương
Cùng với việc tạm dừng tăng lương cơ sở thì lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2021 cũng có thể chậm lại (Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết), đồng nghĩa với một số vấn đề sau:
- Lương cán bộ, công chức, viên chức vẫn được tính theo quy định hiện hành.
- Chưa tiến hành bãi bỏ, sắp xếp lại các khoản phụ cấp từ năm 2021…đơn cử như việc dừng bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề và sẽ phải sửa Luật giáo dục 2019 về hiệu lực với điều khoản quy định về lương giáo viên.
Trước đó, theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành trung ương đã quyết định việc cải cách tiền lương theo hướng bãi bỏ lương cơ sở và áp dụng 05 bảng lương mới theo vị trí việc làm, sắp xếp lại các loại phụ cấp…
Tại phiên họp Chiều 4/3, tại Trụ sở Chính phủ , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ấn định thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021.
3. Mức đóng BHYT theo hộ gia đình từ 01/7/2020
Thay vì đóng với số tiền cao kể từ 01/7/2020, thì nay, cho đến khi có quy định mới, người dân sẽ đóng BHYT hộ gia đình tiếp tục đóng theo mức sau:
- Người thứ nhất: 67.050 đồng/tháng.
- Người thứ hai: 46.935 đồng/tháng.
- Người thứ ba: 40.230 đồng/tháng.
- Người thứ tư: 33.525 đồng/tháng.
- Từ người thứ năm trở đi: 26.820 đồng/tháng.
4. Các chế độ tính theo lương cơ sở sẽ giữ nguyên cho đến khi có quy định mới, đơn cử như trợ cấp 1 lần khi sinh con là 2.980.000 đồng cho mỗi con.
Quý Nguyễn