Tổng hợp giải đáp 41 vướng mắc trong xét xử các vụ án hình sự, hành chính, dân sự |
Giải đáp 41 vướng mắc trong xét xử vụ án hình sự, hành chính, dân sự (Ảnh minh họa)
Ngày 18/5/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức phiên họp trực tuyến giải đáp một số vấn đề trong xét xử các vụ án hình sự, hành chính và dân sự. Trên cơ sở ý kiến phản ánh vướng mắc và giải đáp của Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp vướng mắc như sau:
**Về hình sự, giải đáp 15 vướng mắc, đơn cử như:
*Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy) của Bộ luật Hình sự được hiểu là trong 01 lần phạm tội với 02 người trở lên hay bao gồm cả phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng mỗi lần là 01 người khác nhau?
Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã mua bán trái phép chất ma túy đối với từ 02 người trở lên. Nội dung này cũng phù hợp với hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 Phần I Thông tư liên tịch 17/2007/TTLTBCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 là “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197, 198 và 200 Bộ luật Hình sự 1999 được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên”.
Ví dụ:
- Trong một lần phạm tội, Nguyễn Văn A vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn C, vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn D. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự.
- Ngày 12/8/2019, Nguyễn Văn A bán ma túy cho Nguyễn Văn C. Ngày 01/10/2019, A bán ma túy cho Nguyễn Văn D. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự.
*Người có hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 (ngày Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành) mà sau thời điểm này mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì khi xem xét cho hưởng án treo, Tòa án căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP hay Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP?
Đối chiếu các quy định Điều 60 của Bộ luật Hình sự 1999 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự 2015 thì phạm vi áp dụng án treo của 02 điều luật này là không thay đổi.
Do đó, đối với hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01-01-2018 mà sau thời điểm này mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn áp dụng quy định này (trong đó có Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP) để xem xét việc cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, đối với quy định về người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên trong thời gian thử thách tại đoạn 2 khoản 1 và khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 là quy định mới không có lợi cho người phạm tội, nên quy định này không được áp dụng đối với hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14.
Do đó, khi tuyên án Tòa án cũng không áp dụng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 02/2018//NQ-HĐTP để tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách đối với hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 nếu cho hưởng án treo.
**Về tố tụng hình sự, giải đáp 06 vướng mắc, đơn cử như:
*Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện nhưng khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ án hình sự được thực hiện như thế nào?
Về vấn đề này, trước đây đã được hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tuy nhiên hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không có thay đổi, bổ sung so với Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.
Do đó, trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Toà án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Toà án nhân dân cấp tỉnh để Toà án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh.
*Căn cứ khoản 3 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự về giới hạn xét xử: Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về 01 tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử tội danh nặng hơn. Tuy nhiên, đối với các tội phạm khác nhau về khách thể hì có được áp dụng quy định trên không?
Ví dụ: Trong vụ án hình sự có 02 bị cáo, bị cáo 4 bị Viện kiểm sát truy tố về tội: “Che dấu tội phạm”, bị cáo B bị truy tố về tội: “Giết người”. Tòa án nhận thấy bị cáo A có dấu hiệu phạm tội: “Giết người” với vai trò đồng phạm.
Tòa án tiến hành trả hồ sơ để viện kiểm sát truy tố lại nhưng Viện kiểm sát không thực hiện. Vậy, Tòa án xét xử bị cáo 4 về tội gì?
Khoản 3 Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn, quy định này được hiểu là bất kể tội danh gì mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm nếu hành vi phạm tội của bị cáo có đủ căn cứ kết tội họ. Do đó, trường hợp này Tòa án có thể xét xử tội danh nặng hơn
đối với các tội phạm khác nhau về khách thể như nêu trên. Tuy nhiên, các Tòa án cần lưu ý bảo đảm quyền bào chữa, thành phần Hội đồng xét xử và các quy định khác theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
**Về tố tụng hành chính, giải đáp 08 vướng mắc.
**Về dân sự, giải đáp 12 vướng mắc.
Xem chi tiết nội dung giải đáp tại Công văn 89/TANDTC-PC ban hành ngày 30/6/2020.
Châu Thanh