Cá nhân nợ thuế có thể bị cưỡng chế kê biên tài sản (Ảnh minh hoạ)
- Người nộp thuế bi áp dụng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp sau:
+ Người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế mà không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế khác, bao gồm: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; ngừng sử dụng hóa đơn.
+ Đã áp dụng các biện pháp khác nêu trên nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
+ Thuộc trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực nhưng không có hiệu quả mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin, điều kiện thì thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.
- Theo đó, quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm các văn bản, giấy tờ sau:
+ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế;
+ Các thông báo ấn định thuế, quyết định ấn định thuế;
+ Thông báo tiền thuế nợ;
+ Quyết định thu hồi hoàn; quyết định gia hạn;
+ Quyết định nộp dần;
+ Quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ;
+ Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế;
+ Quyết định về bồi thường thiệt hại;
+ Quyết định hành chính về quản lý thuế khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: không áp dụng kê biên tài sản trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý:
- Điều 125 Luật Quản lý thuế;
- Khoản 1 Điều 35 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 (có hiệu lực từ ngày 05/12/2020).
Thùy Liên