Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 22 Luật Căn cước công dân 2014, hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA (sửa đổi bởi Thông tư 40/2019/TT-BCA) thì:
Khi tiếp nhận hồ sơ làm CCCD nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình số hộ khẩu. Trường hợp thông tin trên số hộ khẩu chưa đầy đủ hoặc không thống nhất với thông tin công dân khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì yêu cầu công dân xuất trình Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân;
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được khai trương, tuy nhiên chưa cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu. Vì vậy, khi đi làm Căn cước công dân gắn chíp, cơ quan cấp căn cước vẫn thông báo người dân phải mang theo Sổ hộ khẩu.
Khi có thông báo của Cơ quan có thẩm quyền về việc đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu thì người dân không cần mang theo Sổ hộ khẩu.
Trong trường hợp sổ hộ khẩu bị mất, muốn làm CCCD gắn chíp thì công dân cần thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại Sổ hộ khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA.
Nơi nộp hồ sơ cấp lại sổ hộ khẩu
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Hồ sơ cấp lại sổ hộ khẩu bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (Phiếu này được cấp khi công dân đến công an đề nghị cấp lại sổ hộ khẩu)
- Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu tại thành phố, thị xã thuộc tỉnh và quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Quý Nguyễn