Trường hợp sử dụng giấy xét nghiệm giả
Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định:
"Điều 14. Vi phạm quy định khác về y tế dự phòng
...2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Nghị định này”.
Như vậy, với yêu cầu phải có giấy nghiệm âm tính nhưng cá nhân cố tình sử dụng giấy tờ giả thì có thể xem là hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, hành vi giả mạo giấy tờ để qua chốt kiểm soát dịch bệnh, nếu khiến dịch bệnh lây lan thì có thể bị xử lý hình sự với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, với mức án cao nhất lên đến 12 năm tù.
Trường hợp làm giả giấy xét nghiệm âm tính
Trường hợp cá nhân làm giả giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 là cán bộ, công chức, người có quyền sử dụng con dấu làm giả giấy tờ, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác thì có thể bị xử lý kỷ luật mang tính nội bộ.
Hình thức kỷ luật áp dụng tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, giáng chức, bãi nhiệm, hạ bậc lương, buộc thôi việc.
Ngoài ra, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi làm giả giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015.
Nếu bị kết án, người phạm tội có thể chịu mức phạt đến 07 năm tù.
Hoàng Thảo