Điều kiện kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử (Ảnh minh họa)
Thuốc lá điện tử được hiểu là các thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất hóa học khác, đựng trong ống/bình chứa dùng một lần hoặc có thể tái nạp khí cho người sử dụng hít vào.
Bên cạnh đó, quy định tại Điều 3 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, giải thích:
- “Lá thuốc lá” là lá của cây thuốc lá có tên khoa học là Nicotiana tabacum L và Nicotiana rustica L là nguyên liệu đầu vào của quá trình chế biến nguyên liệu thuốc lá.
- “Sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi.
Như vậy, với tính chất có chứa nicotine và cách sử dụng là hít vào, thuốc lá điện tử được xem là một sản phẩm thuốc lá theo quy định của Nghị định 67/2013/NĐ-CP.
Sản phẩm thuốc lá điện tử được xem như một sản phẩm thuốc lá, vì vậy việc kinh doanh, mua bán thuốc lá điện tử phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, các điều kiện cấp giấy phép kinh doanh thuốc sản phẩm thuốc lá gồm:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Địa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012.
- Có hệ thống bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh nơi thương nhân đặt trụ sở chính (tối thiểu phải từ 02 thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá trở lên).
- Có văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh.
Theo khoản 3 Điều 26 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, các điều kiện cấp giấy phép bán lẻ thuốc sản phẩm thuốc lá gồm:
- Thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật
- Địa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012.
- Có văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh.
Như vậy, thuốc lá điện tử là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được phép kinh doanh tại Việt Nam. Người kinh doanh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thì mới được phép buôn bán hoặc bán lẻ sản phẩm thuốc lá điện tử.
Đối với các hành vi bán chui thuốc lá điện tử mà không có giấy phép kinh doanh đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng với hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định.
Trường hợp không có giấy phép kinh doanh mà vẫn cố ý kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử hoặc kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu như sau:
Số lượng bao thuốc lá |
Mức phạt tiền |
Dưới 50 bao (1 bao = 20 điếu, đối với thuốc lá xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu được quy đổi 20g = 1 bao) |
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng |
Từ 50 bao đến dưới 100 bao |
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng |
Từ 100 bao đến dưới 300 bao |
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng |
Từ 300 bao đến dưới 500 bao |
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng |
Từ 500 bao đến dưới 1000 bao |
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng |
Từ 1000 bao đến dưới 1200 bao |
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng |
Từ 1200 bao đến dưới 1500 bao |
Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 90 triệu đồng |
Trên 1500 bao nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 90 triệu đồng |
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng với cá nhân có hành vi vi phạm, trong trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm, mức xử phạt gấp 02 lần đối với cá nhân.
Người kinh doanh thuốc lá điện tử không có giấy phép kinh doanh hoặc thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn bán hàng cấm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt lên đến 15 năm tù.
Nhật Anh