Phát mại tài sản là gì? 04 phương thức xử lý tài sản khi tiến hành phát mại (Ảnh minh họa)
Phát mại tài sản là quá trình ngân hàng hoặc đơn vị cho vay vốn công bố và bán tài sản bảo đảm công khai theo thủ tục do pháp luật quy định.
Phát mại tài sản thực hiện khi người thế chấp tài sản không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm nghĩa vụ quy định tại hợp đồng thế chấp thì tài sản thế chấp có thể bị xử lý thông qua các phương thức theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong các hợp đồng thế chấp, ngân hàng và bên thế chấp tài sản sẽ thỏa thuận điều khoản về xử lý tài sản đảm bảo.
Trường hợp bên vay vốn ngân hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu bên thế chấp chuyển giao tài sản thế chấp để phát mại. Nếu bên thế chấp đồng thuận về việc này thì ngân hàng có quyền tiếp quản tài sản và tiến hành thủ tục phát mại, đấu giá tài sản theo quy định.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn pháp lý, tránh rủi ro trong việc xử lý tài sản đảm bảo khi chủ sở hữu không tự nguyện bàn giao tài sản. Một số ngân hàng thương mại đã chọn phương án khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp.
Như vậy, ngân hàng được quyền phát mại hoặc đấu giá tài sản theo phương thức thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng đã giao kết.
Căn cứ Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015, có 04 phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp:
Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
- Bán đấu giá tài sản;
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Phương thức khác.
Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo 04 phương thức nêu trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như Mai