Đề xuất giảm tuổi được cấp bằng lái xe: Những vấn đề pháp lý phát sinh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/03/2022 09:23 AM

Đề xuất giảm tuổi được cấp bằng lái xe hạng A1 được ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu ra tại hội thảo "Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ".

Đề xuất giảm tuổi được cấp bằng lái xe: Những vấn đề pháp lý phát sinh

Đề xuất giảm tuổi được cấp bằng lái xe: Những vấn đề pháp lý phát sinh (Ảnh minh họa)

Vậy pháp luật hiện hành quy định thế nào về độ tuổi được cấp bằng lái xe máy? Nếu giảm tuổi người được cấp bằng lái, những vấn đề pháp lý nào sẽ phát sinh? 

Quy định hiện hành về độ tuổi cấp bằng lái xe hạng A1

Theo khoản 2 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ quy định: Giấy phép lái xe hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3. 

Cụ thể, người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.

Vì vậy, đủ 18 tuổi trở lên mới được cấp bằng lái xe hạng A1. 

Đề xuất giảm tuổi được cấp bằng lái xe hạng A1

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, hiện nay, nhu cầu sử dụng xe máy đối với học sinh THPT ngày càng phổ biến, nhất là lớp 11 và 12, phục vụ cho các buổi học: trái buổi, ngoại khóa, học thêm… trong khi phương tiện công cộng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ngoài ra, sự phát triển về sức khỏe (chiều cao, cân nặng), tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây. 

Từ đó cho thấy quy định hiện hành đã lạc hậu so với thực tiễn, cần đề xuất các cơ quan soạn thảo nghiên cứu để trẻ hóa đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A1.

Thế nhưng chi tiết độ tuổi “trẻ hóa” việc cấp bằng lái xe hạng A1 thì chưa được nêu cụ thể. Vậy ‘trẻ hóa’ độ tuổi cấp bằng lái xe bao nhiêu là đủ? 

Thực tiễn, học sinh khi tham gia giao thông trên đường vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang, sai làn đường… Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tai nạn giao thông trong học sinh tăng cao.

Từ đề xuất trên, có thể chỉ ra một số vấn đề pháp lý phát sinh trong trường hợp giảm độ tuổi người được cấp bằng lái như sau:

Trẻ gây tai nạn có thể chịu trách nhiệm hình sự nhẹ hơn

Hiện hành, “Không có giấy phép lái xe theo quy định” là tình tiết định khung tăng nặng của Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (theo điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt lên đến 10 năm tù).

Nhưng nếu người chưa đủ 18 tuổi đã được cấp giấy phép lái xe thì sẽ không rơi vào tình tiết này mà có thể chịu trách nhiệm hình sự nhẹ hơn (tối đa 5 năm tù - theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự). 

Hơn nữa trường hợp người từ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội thì sẽ chịu trách nhiệm nhẹ hơn so với người từ đủ 18 tuổi phạm tội (tức cao nhất không quá ¾ mức phạt tù mà Điều 260 quy định).

Vấn đề TNHS đối với người giao xe cho người dưới 18 tuổi:

Người giao xe cho người dưới 18 tuổi sẽ không phải chịu TNHS về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.

Bởi lúc này người chưa đủ 18 tuổi đã được cấp Giấy phép lái xe, nghĩa là đảm bảo điều kiện tham gia giao thông thì người giao xe sẽ không còn chịu trách nhiệm hình sự cho tội danh này.

Do đó, trước khi hạ độ tuổi, cần nghiêm túc trong việc sát hạch cấp bằng lái xe cho A1, đại đa phần những người chạy xe máy đều không nắm được luật giao thông dẫn đến việc tham gia giao thông một cách cẩu thả, lộn xộn và nguy hiểm, dễ dẫn đến tai nạn giao thông cho bản thân và những người tham gia giao thông.

Quỳnh Ny - Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,691

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]