Pháp luật là gì? Các hình thức thực hiện pháp luật

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
17/09/2022 17:05 PM

Cho tôi hỏi pháp luật là gì và có những hình thức thực hiện pháp luật nào? – Thiên Hương (Bình Định)

Pháp luật là gì? Các hình thức thực hiện pháp luật

Pháp luật là gì? Các hình thức thực hiện pháp luật (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Pháp luật là gì?

Pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước đặt ra (hoặc thừa nhận) có tính quy phạm phổ biến, tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức và tính bặt buộc chung thể hiện ý chí của giai cấp nắm quyền lực Nhà nước và được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.

2. Các hình thức thực hiện pháp luật

Các hình thức thực hiện pháp luật bao gồm:

2.1. Sử dụng pháp luật

Sử dụng pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép). Những quy phạm pháp luật quy định về các quyền và tự do dân chủ của công dân được thực hiện dưới hình thức này.

2.2. Tuân thủ pháp luật

Tuân thủ (tuân theo) pháp luật (xử sự thụ động) là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế, không tiến hành những hoạt động mà pháp luật cấm. Những quy phạm pháp luật cấm đoán được thực hiện ở hình thức này.

2.3. Thi hành pháp luật

Thi hành (chấp hành) pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực.

2.4. Áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể.

3. Bản chất pháp luật

- Bản chất giai cấp của pháp luật. Pháp luật do nhà nước ban hành phù hợp với ý chí nguyện vọng của giai cấp cầm quyền mà nhà nước là đại diện.

- Bản chất xã hội của pháp luật.

+ Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, do thực tiễn cuộc sống đòi hỏi.

+ Pháp luật không chỉ phản ánh ý chí của giai cấp thống trị mà còn phản ánh nhu cầu, lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp dân cư khác nhau trong xã hội.

+ Các quy phạm pháp luật được thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội, vì sự phát triển của xã hội.

4. Các đặc trưng của pháp luật

Pháp luật có 03 đặc trưng cơ bản sau:

- Tính bắt buộc chung: Pháp luật do nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước, là quy định bắt buộc với tất cả mọi cá nhân, tổ chức, ai cũng phải xử sự theo pháp luật, nếu không sẽ bị áp dụng những biện pháp cần thiết.

- Tính quy phạm phổ biến: Pháp luật là những quy tắc xử sự chung, là khuôn mẫu chung, được áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức: Hình thức thể hiện của pháp luật là các văn bản có chứa các quy phạm pháp luật được xác định chặt chẽ về hình thức, văn phong diễn đạt phải chính xác. Cơ quan ban hành văn bản và hiệu lực của văn bản được quy định chặt chẽ trong Hiến pháp hoặc luật.

5. Quy phạm pháp luật là gì?

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

(Khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 370,244

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]