Các cấp chế độ báo cáo thống kê theo Luật Thống kê

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
07/10/2022 17:31 PM

Chế độ báo cáo thống kê có những cấp nào? Nội dung trong chế độ báo cáo thống kê các cấp được quy định ra sao? - Quốc Thái (Quảng Nam)

Các cấp chế độ báo cáo thống kê theo Luật Thống kê

Các cấp chế độ báo cáo thống kê theo Luật Thống kê

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chế độ báo cáo thống kê là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thống kê 2015, chế độ báo cáo thống kê là những quy định và hướng dẫn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về việc thực hiện một tập hợp những báo cáo thống kê có liên quan với nhau để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc một hệ thống chỉ tiêu thống kê và tổng hợp thông tin thống kê khác phục vụ quản lý nhà nước.

Trong đó, báo cáo thống kê là mẫu biểu và hướng dẫn ghi chép mẫu biểu để thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể theo phương pháp khoa học, thống nhất được quy định trong chế độ báo cáo thống kê trong một thời kỳ nhất định.

(Khoản 1 Điều 3 Luật Thống kê 2015)

2. Các cấp chế độ báo cáo thống kê

2.1. Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia

Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia được thực hiện để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Cụ thể tại khoản 2 Điều 41 Luật Thống kê 2015, cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia gồm:

- Bộ, ngành; cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

- Cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia bao gồm hai danh mục:

- Biểu mẫu báo cáo (Phụ lục I đính kèm theo Nghị định 60/2018/NĐ-CP)

- Biểu mẫu báo cáo và giải thích biểu mẫu báo cáo áp dụng đối với từng bộ, ngành (Phụ lục II đính kèm theo Nghị định 60/2018/NĐ-CP).

Trong đó, nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia được quy định tại Điều 3 Nghị định 60/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

+ Đơn vị báo cáo

++ Đơn vị báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên phải của từng biểu mẫu thống kê.

++ Cơ quan trực thuộc bộ, ngành tổng hợp số liệu thuộc lĩnh vực bộ, ngành được giao quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

+ Đơn vị nhận báo cáo là Tổng cục Thống kê được ghi cụ thể trên bên phải của từng biểu mẫu, dưới dòng đơn vị báo cáo.

+ Ký hiệu biểu gồm hai phần:

++ Phần số được đánh liên tục từ 001, 002, 003,...;

++ Phần chữ được ghi chữ in viết tắt sao cho phù hợp với từng ngành hoặc lĩnh vực và kỳ báo cáo (năm - N; Quý - Q; tháng - T; hỗn hợp - H); lấy chữ BCB (Báo cáo Bộ) thể hiện cho hệ biểu báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành.

+ Kỳ báo cáo thống kê là Khoảng thời gian nhất định quy định đối tượng báo cáo thống kê phải thể hiện kết quả hoạt động bằng số liệu theo các tiêu chí thống kê trong biểu mẫu báo cáo thống kê. Kỳ báo cáo được ghi ở Phần giữa của từng biểu mẫu thống kê.

Kỳ báo cáo thống kê được tính theo ngày dương lịch, bao gồm:

++ Báo cáo thống kê tháng: Báo cáo thống kê tháng được tính bắt đầu từ ngày 01 đầu tháng cho đến hết ngày cuối cùng của tháng.

++ Báo cáo thống kê quý: Báo cáo thống kê quý được tính bắt đầu từ ngày 01 đầu tháng đầu tiên của kỳ báo cáo thống kê cho đến hết ngày cuối cùng của tháng thứ ba của kỳ báo cáo thống kê đó.

++ Báo cáo thống kê 6 tháng: Báo cáo thống kê 6 tháng được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 cho đến hết ngày 30 tháng 6.

++ Báo cáo thống kê năm: Báo cáo thống kê năm được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 cho đến hết ngày 31 tháng 12. Riêng báo cáo thống kê áp dụng đối với Ngành giáo dục báo cáo năm được tính theo năm học.

++ Báo cáo đột xuất: Báo cáo thống kê trong trường hợp khi có sự vật, hiện tượng đột xuất xảy ra: Thiên tai...

+ Thời hạn báo cáo: Ngày nhận báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên trái của từng biểu mẫu thống kê.

+ Phân ngành kinh tế, loại hình kinh tế, danh Mục đơn vị hành chính

Phân ngành kinh tế quốc dân, loại hình kinh tế, danh Mục đơn vị hành chính Việt Nam sử dụng trong chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia thực hiện theo quy định hiện hành.

+ Phương thức gửi báo cáo

Các báo cáo thống kê được thực hiện bằng 2 hình thức: Bằng giấy (văn bản) và qua hệ thống Phần mềm chế độ báo cáo điện tử.

Trong đó, báo cáo bằng văn bản phải có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng đơn vị để thuận lợi cho việc kiểm tra, đối chiếu, xử lý số liệu.

2.2. Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành

Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành được thực hiện để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện và tổng hợp các thông tin thống kê khác phục vụ yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực.

Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành gồm:

- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ đặt tại địa phương;

- Cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành được quy định như sau:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành;

- Cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành áp dụng đối với lĩnh vực được phân công phụ trách.

(Điều 42 Luật Thống kê 2015)

3. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê

3.1. Quyền của cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê

Cụ thể tại Điều 44 Luật Thống kê 2015, cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê có các quyền sau đây:

- Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu thập, tổng hợp thông tin;

- Được hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện chế độ báo cáo thống kê;

- Được cung cấp, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan để tổng hợp số liệu thống kê;

- Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm quy định về chế độ báo cáo thống kê.

3.2. Nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê

Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thống kê 2015, cụ thể như sau:

- Thu thập, tổng hợp, lập và nộp báo cáo theo quy định của chế độ báo cáo thống kê và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin thống kê;

- Bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chế độ báo cáo thống kê;

- Không được từ chối hoặc cản trở việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê;

- Chịu sự kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan nhận báo cáo;

- Chịu sự kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê của thanh tra chuyên ngành thống kê.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,005

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]