Đúng hay sai chuyện “Phạt xe không chính chủ” ?

29/03/2013 15:56 PM

Vừa qua có luồng ý kiến cho rằng, việc quy định phạt xe không chính chủ là trái với quy định của Luật , bởi Luật không hề có quy định về việc bắt buộc phải đăng ký sở hữu cho xe máy.

Tuy nhiên, nếu theo tư duy logic này thì có thể nói nhiều Luật của Việt Nam cũng vi hiến vì quy định những vấn đề mà Hiến pháp không đề cập.

 

Về lý luận, khái niệm “trái” và “khác” hoàn toàn khác nhau và hệ quả pháp lý của nó không hề giống nhau.

 

“Trái” là việc ban hành văn bản quy định những vấn đề ngược với văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Hệ quả pháp lý của văn bản trái này là bị hủy bỏ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

“Khác” là việc ban hành văn bản quy định những vấn đề chưa có, hoặc làm rõ hơn, hoặc không giống nhưng không ngược với văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Trên thực tế loại văn bản này rất nhiều; nên mới xuất hiện khái niệm nếu một sự việc phát sinh mà có hai văn bản điều chỉnh khác nhau thì áp dụng văn bản chuyên ngành cho sự việc đó.

 

Quay lại vấn đề về việc “xử phạt xe không chính chủ”, xin khoan đề cập đến chuyện Nghị định 34/2010/NĐ-CP, 71/2012/NĐ-CP; thông tư 36/2010/TT-BCA, 11/2013/TT-BCA là “trái” hay “khác” với Luật mà hãy xem nó có phù hợp với thực tiễn hay không?

 

Một chân lý không thể phủ nhận “Xã hội là dòng sông luôn vận động,  phát triển không ngừng; còn Pháp luật là bờ đê để định hướng và xuôi dòng nước chảy”. Bởi vậy, quy định của pháp luật cần phải phù hợp với thực tiễn.

 

Theo điều 623 Bộ Luật Dân sự 2005 thì xe máy, ô tô được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu không quy định chuyển quyền sở hữu xe máy, ô tô khi mua, bán, tặng, cho … liệu rằng có hợp lý hay không?

 

Như vậy, sẽ rất khó khăn trong việc điều tra tìm ra người gây tai nạn giao thông trong trường hợp họ mua xe mà không chuyển quyền sở hữu.

 

Ví dụ: Ông A mua xe máy của bà B rồi sau đó bán cho anh C (quá trình mua bán diễn ra theo kiểu “tiền trao cháo múc”, không có đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu). Rồi một khi anh C gây ra tai nạn chết người (anh C bỏ trốn). Vậy ai sẽ là người bồi thường thiệt hại cho nạn nhân?

 

Tất nhiên C gây ra tai nạn thì phải là người bồi thường, nhưng làm sao xác định được C là người gây ra tai nạn. Khi đấy cơ quan công an điều tra bằng cách xem ai đang đứng tên xe này, đó là bà B; trên giấy tờ bà B vẫn là chủ sở hữu của xe máy này. Vậy bà B sẽ bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm hình sự (nếu có) do vụ tai nạn giao thông nói trên chăng?

 

Sẽ không, vì B phải khai ra mình đã bán xe cho ai để chứng minh mình vô can, và từ đó công an tìm ra đường đi cho việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trong thực tế thì rất nhiều trường hợp bán xe qua rất nhiều đời chủ thì rõ thật khó khăn cho công tác điều tra.

 

Ngoài ra, việc mua bán theo hình thức trao tay nên dễ xảy ra tranh chấp tài sản và người ngay sẽ không được pháp luật bảo vệ vì không có chứng cứ. Bởi lẽ, chẳng có giấy tờ nào chứng minh xe đó là của họ, dẫu rằng họ đã bỏ tiền mua xe. Và tình hình trộm, cướp xe máy, ô tô sẽ xảy ra nhiều hơn; vì câu chuyện bán xe máy, ô tô trở nên dễ dàng như chuyện bán con gà, con vịt.

 

Từ phân tích nêu trên, xin không kết luận ai đúng ai sai, nhưng chắc mỗi người đã có được đáp án cho mình.

 

Thanh Hữu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,389

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]