04 điều cần biết về hội nghị cử tri

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
13/12/2022 10:30 AM

Xin hỏi là trong bầu cử thì hội nghị cử tri là gì? Pháp luật quy định thế nào về hội nghị cử tri? - Nhân Nghĩa (TP.HCM)

04 điều cần biết về hội nghị cử tri (Hình từ Internet)

1. Hội nghị cử tri là gì?

Hội nghị cử trị là cuộc họp của cử tri trong khu vực nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đứng ra triệu tập, chủ trì để tiến hành một số công việc do pháp luật quy định liên quan đến hoạt động bầu cử.

Hội nghị cử tri được tổ chức để thảo luận những vấn đề do Nhà nước yêu cầu, lấy ý kiến nhận xét đối với các ứng cử viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hội nghị cử tri là nơi đại biểu tiếp xúc với cử tri, báo cáo về hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cho cử tri biết.

Tại hội nghị cử tri, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị.

2. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức hội nghị cử tri

Hội nghị cử tri ở xã, phường, thị trấn được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú thường xuyên do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị này.

- Hội nghị cử tri ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội do ban lãnh đạo tổ chức triệu tập và chủ trì;

- Hội nghị cử tri ở cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì;

- Hội nghị cử tri ở đơn vị vũ trang nhân dân là hội nghị quân nhân do lãnh, đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội được mời tham dự hội nghị này.

(Khoản 1.khoản 2 Điều 45 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015)

3. Nội dung biên bản hội nghị cử tri

Biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị.

Biên bản hội nghị cử tri tại nơi cư trú lấy ý kiến về người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu ứng cử được gửi đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người tự ứng cử, người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu ứng cử được gửi đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.

(Khoản 3 Điều 45 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015)

4. Thủ tục tổ chức hội nghị cử tri

Tại Nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13 quy định về thủ tục tổ chức hội nghị cử tri như sau:

Bước 1: Người chủ trì hội nghị tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu dự hội nghị. 

Người chủ trì có trách nhiệm sau đây:

+ Giới thiệu về mục đích, yêu cầu của hội nghị;

+ Giới thiệu Thư ký hội nghị để hội nghị quyết định;

+ Báo cáo về số cử tri được mời, số cử tri có mặt;

+ Giới thiệu danh sách người ứng cử;

+ Đọc tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội (đối với hội nghị cử tri lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội), tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương (đối với hội nghị cử tri lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân) và những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 37 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015.

Bước 2: Thư ký hội nghị đọc tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử.

Bước 3: Cử tri phát biểu ý kiến đối với từng người ứng cử.

Bước 4: Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử phát biểu ý kiến.

Bước 5: Hội nghị biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu từ ba đến năm người.

Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng hình thức giơ tay thì: Tổ kiểm phiếu đếm, tính kết quả biểu quyết đối với từng người.

Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng bỏ phiếu kín thì: Phiếu tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc phải có dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc Ban chấp hành Công đoàn của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú phải có dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hoặc của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Trên phiếu tín nhiệm ghi rõ họ và tên người ứng cử. Nếu có nhiều người ứng cử thì ghi rõ họ và tên của những người ứng cử, xếp theo vần chữ cái A, B, C... Cử tri gạch tên người ứng cử mà mình không tín nhiệm và bỏ vào hòm phiếu.

Tổ trưởng Tổ kiểm phiếu công bố kết quả biểu quyết.

Bước 6: Hội nghị thông qua biên bản hội nghị cử tri (theo mẫu số 01 hoặc mẫu số 02/BC ĐBQH, ĐBHĐND-UBTVQH).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,561

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]