Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
16/12/2022 14:26 PM

Xin hỏi những trường hợp nào không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn? - Hồng Đào (Đồng Nai)

Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Vi phạm hành chính về thuế là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì vi phạm hành chính về thuế là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong đó, các khoản thu khác gồm:

- Tiền sử dụng đất; 

- Tiền thuê đất, thuê mặt nước; 

- Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; 

- Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; 

- Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 

- Cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

2. Vi phạm hành chính về hóa đơn là gì?

Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì vi phạm hành chính về hóa đơn là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về hóa đơn mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn theo Điều 38 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:

(1) Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong các trường hợp sau đây:

- Trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định tại Điều 9 Nghị định 125/2020/NĐ-CP:

+ Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Người nộp thuế chậm thực hiện thủ tục thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thuộc trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

+ Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (kể cả các văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý được ban hành trước ngày 05/12/2020);

Trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế chưa phát hiện sai sót của người nộp thuế trong việc khai, xác định số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng sau đó hành vi vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế bị phát hiện.

+ Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

Hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện.

+ Không xử phạt hành vi vi phạm thủ tục thuế đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

+ Không xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đó.

- Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;

- Đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định tại Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

- Cá nhân vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã chết, mất tích; tổ chức vi phạm hành chính đã bị giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 Điều 41 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Căn cứ xác định cá nhân chết, mất tích; tổ chức bị giải thể, phá sản theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;

- Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.

(2) Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 38 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định (nếu có). 

Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,816

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]