Nhãn hàng hóa là gì? Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
20/12/2022 10:26 AM

Nhãn hàng hóa là gì? Những nội dung nào bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa? - Hồng Loan (Cần Thơ)

Nhãn hàng hóa là gì? Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa

Nhãn hàng hóa là gì? Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nhãn hàng hóa là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

2. Vị trí nhãn hàng hóa

Vị trí nhãn hàng hóa theo Điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP như sau:

- Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

- Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.

3. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa

Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa theo Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP) như sau:

(1) Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước và trừ trường hợp quy định tại (4) mục này.

(2) Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại (1) mục này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. 

Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

(3) Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

(4) Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất, dược chất, tá dược, thành phần của thuốc;

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

- Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.

4. Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa

Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP) như sau:

- Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:

+ Tên hàng hóa;

+ Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

+ Xuất xứ hàng hóa;

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP;

+ Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 111/2021/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan.

Phụ lục I

Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 111/2021/NĐ-CP và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan thì:

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.

Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP) trên nhãn hàng hóa;

Những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP) được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

- Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:

+ Tên hàng hóa;

+ Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP

+Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

++ Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;

++ Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP), sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện:

Việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP) trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

- Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu:

+ Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP:

Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

+ Nội dung nhãn hàng hóa xuất khẩu tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 43/2017/NĐ-CP:

Nhãn hàng hóa không được thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP) bằng phương thức điện tử.

>>> Xem thêm: Quy định ghi thành phần của hàng hóa như thế nào? Việc dán nhãn hàng hóa thực hiện theo các nguyên tắc nào?

Hàng hóa bán tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa phải ghi ngôn ngữ gì? Nhãn hàng hóa được ghi tại vị trí nào trên hàng hóa?

Có cần ghi các thành phần chính trên nhãn hàng hóa không? Vi phạm về nội dung trên nhãn hàng hóa chịu phạt bao nhiêu tiền?

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 26,950

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]