Thời hạn, nội dung thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm:
- Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường |
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường;
- Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư.
Lưu ý: Đối với dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng, chủ dự án đầu tư được trình đồng thời hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; thời điểm trình do chủ dự án đầu tư quyết định nhưng phải bảo đảm trước khi có kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Xem thêm: Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường
(Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường 2020)
Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau:
- Không quá 45 ngày đối với dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Bảo vệ môi trường 2020;
- Không quá 30 ngày đối với dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường 2020;
- Trong thời hạn trên, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án đầu tư về kết quả thẩm định.
Thời gian chủ dự án đầu tư chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của cơ quan thẩm định và thời gian xem xét, ra quyết định phê duyệt quy định tại khoản 9 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường 2020 không tính vào thời hạn thẩm định;
- Thời hạn thẩm định trên có thể được kéo dài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(Khoản 6 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường 2020)
Nội dung thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm:
- Sự phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Sự phù hợp của phương pháp đánh giá tác động môi trường và phương pháp khác được sử dụng (nếu có);
- Sự phù hợp về việc nhận dạng, xác định hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường;
- Sự phù hợp của kết quả đánh giá hiện trạng môi trường, đa dạng sinh học; nhận dạng đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư;
- Sự phù hợp của kết quả nhận dạng, dự báo các tác động chính, chất thải phát sinh từ dự án đầu tư đến môi trường; dự báo sự cố môi trường;
- Sự phù hợp, tính khả thi của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của dự án đầu tư;
- Sự phù hợp của chương trình quản lý và giám sát môi trường; tính đầy đủ, khả thi đối với các cam kết bảo vệ môi trường của chủ dự án đầu tư.
(Khoản 7 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường 2020)