Về dự kiến sửa luật, tại phiên họp ngày 02/11/2023 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết cải cách tiền lương sẽ thực hiện từ ngày 01/7/2024.
Cùng thay đổi này, ngành tài chính sẽ tính thu nhập gốc, bình quân tăng lương mỗi năm (7-8% một năm) để làm căn cứ tính thu nhập bình quân. Đây sẽ là cơ sở phân loại đối tượng theo các mức thu nhập, vùng miền và căn cứ để nâng giảm trừ gia cảnh tính thuế cho phù hợp thực tế.
Tuy nhiên, dự luật sửa đổi này chưa được bổ sung vào chương trình làm luật thời gian tới, nên trước mắt Bộ Tài chính sẽ sửa các luật, như Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và bộ luật thuế sửa đổi, để hỗ trợ người dân.
Theo dự kiến, Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi vào năm 2026.
Khi nào tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN?
Mức giảm trừ gia cảnh năm 2023 thực hiện theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, như sau:
- Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) áp dụng cho bản thân người nộp thuế;
- Mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng áp dụng với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế.
Biểu đồ mức giảm trừ gia cảnh qua các năm (2009-2023)
Tại thời điểm 01/01/2009, mức giảm trừ gia cảnh thực hiện theo Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) áp dụng với bản thân người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Từ ngày 01/7/2013, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 có hiệu lực đã nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) đối với bản thân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc.
Đến ngày 01/7/2020, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 đã nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) áp dụng với bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với mỗi người phụ thuộc; Mức giảm trừ gia cảnh này tiếp tục áp dụng cho đến thời điểm hiện tại (năm 2023).
Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh đã điều chỉnh hai lần trong giai đoạn 2009 – 2023.
Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.”
Theo quy định trên có thể hiểu, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ được thực hiện khi biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luỹ kế qua các năm trên 20%.
Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN.
Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn 17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.
Ví dụ: Trường hợp cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng và có 1 người phụ thuộc, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,... thì người này không phải nộp thuế TNCN.
Cụ thể, nguyên tắc được tính như sau: bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 1,785 triệu đồng (17 triệu đồng x 10,5%), mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng (11 triệu cho bản thân + 4,4 triệu cho người phụ thuộc), tổng cộng là 17,2 triệu đồng. Do đó, cá nhân này không phải nộp thuế TNCN.
Cũng có 1 người phụ thuộc, nếu cá nhân có thu nhập 18 triệu đồng, trừ 10,5% bảo hiểm là 1,89 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng, thì phải nộp thuế là (18 triệu đồng - 1,89 triệu đồng - 15,4 triệu đồng) x 5% = 35 nghìn đồng/tháng, số tiền thuế rất nhỏ so với mức thu nhập 18 triệu đồng/tháng, chỉ chiếm khoảng 0,19% tổng thu nhập của cá nhân. (Xem thêm tại đây)