Các chế độ đãi ngộ của Chủ tịch nước (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hiện nay, tiền lương công chức, viên chức được tính bằng công thức sau:
Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương
Mức lương cơ sở 2023 được thực hiện như sau:
+ Từ ngày 01/01 – 30/6/2023: Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. (Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP)
+ Từ ngày 01/7/2023: Mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng. (khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15)
Theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11, hệ số lương của Chủ tịch nước là 13,00.
Theo đó, từ ngày 01/7/2023, Chủ tịch nước thì tiền lương sẽ tăng từ 19,370 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, lương của Chủ tịch nước sẽ tăng thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng so với hiện nay.
Trong quy định tại Quyết định 03/2022/QĐ-TTg, đối với các chức danh Chủ tịch nước, bố trí nhà ở công vụ đảm bảo điều kiện công tác và yêu cầu an ninh, bảo vệ theo quy định.
Theo đó, yêu cầu đối với nhà công vụ của Chủ tịch nước:
+ Biệt thự cao không quá 04 tầng có khuôn viên sân, vườn, có hàng rào và lối ra vào riêng biệt, đảm bảo hệ thống an ninh, bảo vệ theo quy định
+ Diện tích đất khuôn viên từ 450 m2 đến 500 m2;
+ Định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời cho biệt thự công vụ này là 350 triệu đồng.
Theo Quyết định 121-QĐ/TW về Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì Chủ tịch nước được:
* Chế độ, nội dung khám, kiểm tra sức khỏe toàn diện định kỳ
- Định kỳ 6 tháng/lần thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trường hợp có bệnh lý thì thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo chỉ định của Hội đồng Chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ.
- Bác sĩ tiếp cận, thăm khám sức khỏe hằng ngày.
- Khi đi công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn trong nước: bố trí 1 bác sĩ tiếp cận.
- Khi đi công tác tại các vùng còn lại trong nước: khi có yêu cầu của đồng chí trưởng đoàn, bố trí bác sĩ tiếp cận tháp tùng.
- Khi đi công tác nước ngoài: bố trí Tổ Y tế phục vụ gồm 1 đồng chí đại diện lãnh đạo Ban hoặc Hội đồng Chuyên môn Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương và 1 bác sĩ tiếp cận.
* Chế độ điều trị bệnh, nghỉ dưỡng sức, điều dưỡng kết hợp với điều trị bệnh lý
- Nếu có bệnh lý cần điều trị, phải tuân thủ các quy định chuyên môn và hướng dẫn của bệnh viện và Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
- Hằng năm, thực hiện chế độ nghỉ dưỡng sức theo kế hoạch của Văn phòng Trung ương Đảng.
- Nếu bị mắc các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo thực hiện chế độ Điều dưỡng kết hợp với Điều trị bệnh lý theo kế hoạch của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
- Ngoài ra, Chủ tịch nước còn phải thực hiện tốt một số chế độ sau:
+ Chế độ ăn, uống khoa học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế uống rượu, bia; đặc biệt không dùng thực phẩm, rượu, bia không rõ nguồn gốc.
+ Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức, có thời gian tập luyện thể dục, thể thao, an dưỡng, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe.
+ Chỉ dùng thuốc, các sản phẩm thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng khi có chỉ định, tư vấn của bệnh viện và Hội đồng Chuyên môn.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Cảnh vệ 2017: “Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định Luật Cảnh vệ 2017.”
Theo đó, Chủ tịch nước là đối tượng được áp dụng công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện.
- Chế độ cảnh vệ đối với Chủ tịch nước theo khoản 1 Điều 11 của Luật Cảnh vệ 2017 được áp dụng các biện pháp sau đây:
+ Bảo vệ tiếp cận.
+ Tuần tra, canh gác thường xuyên tại nơi làm việc và nơi ở của Chủ tịch nước.
+ Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại để phát hiện chất nổ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học, chất phóng xạ và vật nguy hiểm khác.
+ Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng.
+ Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.
- Chế độ cảnh vệ đối với khu vực làm việc của Chủ tịch nước theo khoản 1 Điều 13 của Luật Cảnh vệ 2017 được áp dụng các biện pháp sau đây:
+ Tuần tra, canh gác thường xuyên.
+ Kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực.
+ Kiểm tra an ninh, an toàn trong trường hợp cần thiết.
+ Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.
Tại quy định Điều 4 Nghị định 04/2019/NĐ-CP theo đó Chủ tịch nước là chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật Cảnh vệ 2017, chế độ cảnh vệ còn quy định đối với phương tiện di chuyển của Chủ tịch nước khi đi công tác như sau:
+ Đi bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường;
+ Đi công tác bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng,
+ Đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ;
+ Đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ;
+ Và được bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình, khảo sát để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ.
Nguyên Chủ tịch nước vẫn sẽ được áp dụng chế độ cảnh vệ sau khi hết nhiệm kỳ Chủ tịch nước.
Được quy định trong Luật Cảnh vệ 2017 tại khoản 2 Điều 11 đối với nguyên Chủ tịch nước được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ sau đây:
+ Bảo vệ tiếp cận;
+ Canh gác thường xuyên tại nơi ở.
Lê Vũ Trang Nhi