Sinh con thứ 3, 4, 5 vẫn có thể được kết nạp Đảng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
20/03/2023 11:31 AM

Theo quy định hiện hành, Đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5 có thể bị kỷ luật đảng và khai trừ đảng. Vậy đảng viên đã bị khai trừ do sinh con thứ 3, 4, 5 hoặc quần chúng đã sinh con thứ 3 muốn kết nạp đảng có được không? - Thế Sang (Nghệ An)

Sinh con thứ 3, 4, 5 vẫn có thể được kết nạp Đảng

Sinh con thứ 3, 4, 5 vẫn có thể được kết nạp Đảng (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Theo quy định hiện hành, đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5 có thể bị kỷ luật đảng. Tuy nhiên, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây, đảng viên, quần chúng đã sinh con thứ 3 trở đi vẫn được kết nạp lại, kết nạp vào đảng, cụ thể:

1. Tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp lại vào Đảng đối với đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm quy định sinh con thứ 3, 4, 5

Theo Điều 4 Quy định 05-QĐi/TW năm 2018, tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp lại vào Đảng đối với đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình được quy định như sau:

- Đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình chỉ được xem xét, kết nạp lại vào Đảng khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện như sau:

+ Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị; 

+ Là người có uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, được cấp uỷ nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về ý thức trách nhiệm đối với nhân dân;

+ Phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 24 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ ba hoặc 36 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ tư kể từ ngày bị đưa ra khỏi Đảng đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Việc kết nạp lại đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng phải được ban thường vụ cấp uỷ trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi ban thường vụ cấp uỷ huyện (hoặc tương đương) quyết định kết nạp.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp vào Đảng đối với quần chúng vi phạm quy định sinh con thứ 3, 4, 5

Điều 5 Quy định 05-QĐi/TW quy định tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền kết nạp vào Đảng đối với quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình như sau:

- Quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình chỉ được xem xét, kết nạp vào Đảng khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bao gồm:

+ Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị;

+ Là người có uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, được cấp uỷ nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về ý thức trách nhiệm đối với nhân dân;

+ Phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 24 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ ba hoặc 36 tháng đối với trường hợp vi phạm sinh con thứ tư kể từ ngày sinh con đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Việc kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng do ban thường vụ cấp uỷ huyện (hoặc tương đương) xem xét, quyết định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, đảng viên, quần chúng vi phạm quy định sinh con thứ 3, 4, 5 vẫn có thể được kết nạp đảng nếu đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nêu trên.

3. Đảng viên vi phạm quy định sinh con thứ 3, 4, 5 bị xử lý kỷ luật thế nào?

Căn cứ quy định tại Điều 52 Quy định 69-QĐ/TW, Đảng viên vi phạm chính sách dân số có thể bị xử lý kỷ luật như sau:

- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

+ Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.

+ Vi phạm chính sách dân số.

- Trường hợp vi phạm đã kỷ luật và đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

- Tuyên truyền, phổ biến hoặc ban hành văn bản có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

- Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm sinh thêm con ngoài giá thú hoặc trái quy định.

Trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây hậu quả rất nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24,723

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]