04 trường hợp tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 34 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017), kiểm soát đặc biệt là việc đặt một tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Mục 1 Chương VIII Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo khoản 1 Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017), các tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau đây:
(1) Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
(2) Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;
(3) Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục;
(4) Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Xử lý kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại Điều 146b Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017).
- Quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 148b Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt, trừ trường hợp quyết định việc cho vay đặc biệt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017).
- Chỉ định Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
- Quyết định, điều chỉnh nội dung, phạm vi hoạt động, mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
- Quyết định không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đối với tổ chức tín dụng thực hiện phương án phá sản đã được phê duyệt.
- Quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 146d Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017), trừ trường hợp quyết định việc cho vay đặc biệt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017).
- Yêu cầu chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt:
a) Báo cáo việc sử dụng cổ phiếu, phần vốn góp;
b) Không được chuyển nhượng cổ phiếu, phần vốn góp;
c) Không được sử dụng cổ phiếu, phần vốn góp để làm tài sản bảo đảm.
- Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017).
(Điều 146a Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017))
Theo Điều 145b Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017), ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khắc phục được tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt và tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017);
- Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác hoặc bị giải thể;
- Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để tiến hành thủ tục phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.