Căn cứ quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);
- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện);
- Xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã);
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đơn vị hành chính được phân loại như sau:
- Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
- Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
- Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
Thôn, tổ dân phố có phải là một cấp hành chính không? (Hình từ internet)
Căn cứ quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Điều 2 Thông tư 04/2012/TT-BNV thì thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.
Trong đó:
- Thôn là từ gọi chung dùng để chỉ thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc,...; thôn được tổ chức ở xã; dưới xã là thôn.
- Tổ dân phố là từ gọi chung dùng để chỉ tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu,...; tổ dân phố được tổ chức ở phường, thị trấn; dưới phường, thị trấn là tổ dân phố.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố được quy định tại Điều 3 Thông tư 04/2012/TT-BNV (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV) cụ thể như sau:
- Bảo đảm tính tự quản của cộng đồng dân cư, chấp hành sự quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền cấp xã và sự lãnh đạo của cấp ủy đảng.
- Tuân thủ pháp luật, thực hiện theo hương ước (quy ước); đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
- Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định; thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng địa phương.
- Trường hợp do quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân, do di dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa hoặc nơi có địa hình bị chia cắt phức tạp, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thì điều kiện thành lập thôn, tổ dân phố mới có thể thấp hơn quy định. Trong trường hợp cộng đồng dân cư mới hình thành không đủ điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì ghép vào thôn, tổ dân phố liền kề.
- Mỗi thôn có Trưởng thôn; mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng tổ dân phố. Trường hợp cần thiết thì có 01 Phó Trưởng thôn, 01 Phó Tổ trưởng tổ dân phố.
- Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn sau khi thống nhất với Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố; Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố
Căn cứ: Điều 4 Thông tư 04/2012/TT-BNV (được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV)