Các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
31/07/2023 12:31 PM

Xin cho tôi hỏi các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm những loại bảo hiểm nào? - Văn Ý (Hải Phòng)

Các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng

Cụ thể tại khoản 1 Điều 9 Luật Xây dựng 2014 quy định các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm:

- Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng;

- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng;

- Bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị thi công, người lao động;

- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba;

- Bảo hiểm bảo hành công trình xây dựng.

2. Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) về trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định như sau:

- Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp;

- Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên;

- Nhà thầu thi công xây dựng mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

3. Đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Theo Điều 4 Nghị định 119/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP) quy định đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng như sau:

- Trừ các công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước, chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình sau:

+ Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

Phụ lục X

+ Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định Nghị định 08/2022/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

+ Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

- Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên.

- Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba

4. Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Căn cứ Điều 5 Nghị định 119/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP) quy định thời hạn bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng như sau:

- Thời hạn bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có) và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

- Thời hạn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc tư vấn đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật.

- Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật. Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động.

- Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

5. Phạm vi bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Phạm vi bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 6 Nghị định 119/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP) như sau:

- Phạm vi bảo hiểm

+ Đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng: Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của công trình xây dựng phát sinh từ mọi rủi ro, trừ các tổn thất quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 119/2015/NĐ-CP;

+ Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng: Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu tư vấn có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của bên thứ ba và các chi phí có liên quan theo quy định pháp luật phát sinh từ việc thực hiện công việc tư vấn đầu tư xây dựng, trừ các tổn thất quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 119/2015/NĐ-CP;

+ Đối với bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường: Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

+ Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba: Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

- Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất sau:

+ Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý;

+ Tổn thất không mang tính ngẫu nhiên;

+ Tổn thất không lượng hóa được bằng tiền;

+ Tổn thất mang tính thảm họa;

+ Tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm;

+ Tổn thất theo tập quán quốc tế do các bên tham gia bảo hiểm thỏa thuận áp dụng nếu tập quán đó không trái với pháp luật Việt Nam.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,558

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]