Tiêu chuẩn và nhiệm vụ của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
02/08/2023 17:00 PM

Xin hỏi tiêu chuẩn và nhiệm vụ của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã năm 2023 gồm những gì? - Kim Phượng (Kiên Giang)

Tiêu chuẩn và nhiệm vụ của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã năm 2023 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tiêu chuẩn của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã 

Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã như sau:

- Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;

- Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã. 

Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của luật đó.

2. Nhiệm vụ của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã 

Nhiệm vụ của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã bao gồm:

- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực tư pháp và hộ tịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thẩm định việc soạn thảo, ban hành các văn bản theo quy định của pháp luật; 

Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp xã và hướng dẫn của cơ quan cấp trên;

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; 

Công tác thi hành án; 

Theo dõi việc thi hành pháp luật và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn cấp xã trong việc tham gia xây dựng pháp luật; 

Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn hoạt động đối với tổ chức hòa giải cơ sở; 

Phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong việc sơ kết, tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã; 

Quản lý tủ sách pháp luật tại Ủy ban nhân dân cấp xã; 

Phối hợp với công chức Văn hóa - xã hội hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước;

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đăng ký, quản lý hộ tịch theo quy định của pháp luật;

- Phụ trách lĩnh vực hộ tịch, công chứng, chứng thực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác phòng chống tham nhũng và các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực thanh tra;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và quy định của pháp luật có liên quan.

(Khoản 5 Điều 11 Nghị định 33/2023/NĐ-CP)

3. Những việc công chức tư pháp hộ tịch không được làm

Những việc công chức tư pháp hộ tịch không được làm quy định tại Điều 74 Luật Hộ tịch năm 2014 như sau:

- Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà, nhận hối lộ khi đăng ký, quản lý hộ tịch.

- Thu lệ phí hộ tịch cao hơn mức quy định hoặc đặt ra các khoản thu khi đăng ký hộ tịch.

- Đặt ra thủ tục, giấy tờ, cố ý kéo dài thời hạn giải quyết đăng ký hộ tịch trái quy định của Luật Hộ tịch năm 2014.

- Tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

- Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái quy định của Luật Hộ tịch năm 2014.

- Tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật cá nhân mà biết được qua đăng ký hộ tịch.

- Công chức làm công tác hộ tịch vi phạm các quy định tại Điều 74 Luật Hộ tịch năm 2014 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,752

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]