Các trường hợp không phải chịu phí thi hành án dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
18/08/2023 11:18 AM

Xin hỏi theo quy định của pháp luật thì người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án dân sự trong trường hợp nào? - Duy Khôi (Quảng Bình)

Ai phải nộp phí thi hành án dân sự?

Căn cứ quy định tại Luật thi hành án dân sự 2008 và các quy định hướng dẫn liên quan thì phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định.

Người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại phải nộp phí thi hành án dân sự theo quy định.

Các trường hợp không phải chịu phí thi hành án dân sự

Các trường hợp không phải chịu phí thi hành án dân sự (Hình từ internet)

Quy định mức thu phí thi hành án dân sự mới nhất

Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC thì người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự như sau:

- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5 tỷ đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận;

- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5 tỷ đồng đến 7 tỷ đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 150 triệu đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5 tỷ đồng;

- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 7 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 190 triệu đồng cộng với 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7 tỷ đồng;

- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 220 triệu đồng cộng 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10 tỷ đồng;

- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên 15 tỷ đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 245 triệu đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15 tỷ đồng.

Lưu ý:

+ Đối với vụ việc chia tải sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản thi hành án (chỉ cần một trong các bên có yêu cầu thi hành án), thì người được cơ quan thi hành án dân sự giao tiền, tài sản thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự tương ứng với giá trị tiền, tài sản thực nhận.

+ Đối với trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có yêu cầu để quản lý thì người yêu cầu hoặc người đại diện đó phải nộp phí thi hành án dân sự tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo mức quy định nêu trên.

+ Đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự quy định nêu trên tính trên số tiền, tài sản thực nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư 216/2016/TT-BTC.

- Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định nêu trên tính trên số tiền, tài sản thực nhận.

Các trường hợp không phải chịu phí thi hành án dân sự

Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư 216/2016/TT-BTC thì người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án dân sự khi được nhận các khoản tiền, tài sản thuộc các trường hợp sau đây:

(1) Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động.

(2) Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận.

(3) Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi.

(4) Tiền hoặc giá trị tài sản theo yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định.

(5) Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong trường hợp Ngân hàng cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

(6) Bản án, quyết định của Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử.

(7) Tiền, tài sản được trả lại cho đương sự trong trường hợp chủ động thi hành án theo quy định.

(8) Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,347

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]