Nghỉ ngang không báo trước: NLĐ cần biết những điều này 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
30/08/2023 08:55 AM

Xin hỏi người lao động cần lưu ý những vấn đề gì khi nghỉ ngang không báo trước theo quy định pháp luật mới nhất 2023? - Đình Thái (Đà Nẵng)

Nghỉ ngang là gì?

Hiện hành không có quy định nào giải thích rõ khái niệm nghỉ ngang là gì, tuy nhiên, căn cứ các quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì có thể hiểu nghỉ ngang là trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không tuân thủ quy định về thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Nghỉ ngang có được nhận BHXH 1 lần không?

Theo đó, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 thì trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được rút bảo hiểm xã hội một lần khi có yêu cầu, không phân biệt nghỉ việc đúng pháp luật hay trái pháp luật.

>> Xem nội dung chi tiết tại đây

Nghỉ ngang không báo trước: NLĐ cần biết những điều này 2023

Những điều NLĐ cần biết khi nghie ngang không báo trước (Hình từ internet)

Nghỉ ngang có lấy được sổ BHXH không?

Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Như vậy: Trong trường hợp hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại tờ rời bảo hiểm xã hội cho người lao động (hiện nay sổ bảo hiểm xã hội do người lao động giữ).

Do đó, ngay cả trong trường hợp người lao động nghỉ ngang không báo trước thì người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm chốt sổ và trả lại tờ rời BHXH cho người lao động theo quy định.

>> Xem nội dung chi tiết tại đây

Nghỉ ngang có được trả lương không?

Theo quy định thì trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động, trong đó bao gồm các khoản tiền lương, phụ cấp...

Do đó, không phân biệt trường hợp người lao động có nghỉ ngang hay là không, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương những ngày người lao động đã làm việc theo quy định.

>> Xem nội dung chi tiết tại đây

Nghỉ ngang có lấy được bảo hiểm thất nghiệp không?

Theo quy định, trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước hoặc báo trước không đúng thời hạn theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Do đó, trường hợp người lao động nghỉ ngang thì không đáp ứng điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định nêu trên. Đồng nghĩa, người lao động nghỉ ngang thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

>> Xem nội dung chi tiết tại đây

Nghỉ ngang có được nhận tiền thai sản khi sinh con không?

Theo quy định thì người lao động dù đã nghỉ việc nhưng chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con, không phân biệt người lao động nghỉ việc đúng pháp luật hay trái pháp luật (nghỉ ngang).

Do đó, trường hợp người lao động nghỉ ngang vẫn được nhận tiền thai sản khi sinh con nếu đáp ứng điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nêu trên.

>> Xem nội dung chi tiết tại đây

Nghỉ ngang có phải bồi thường cho công ty không?

Theo quy định, trường người lao động nghỉ ngang không báo trước thì phải bồi thường cho công ty, doanh nghiệp nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

Bên cạnh đó, người lao động cong phải hoàn trả cho công ty, doanh nghiệp chi phí đào tạo. Trong đó chi phí đào tạo là các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

>> Xem nội dung chi tiết tại đây

Hậu quả pháp lý khi người lao động nghỉ việc không báo trước?

Căn cứ quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động 2019 thì trường hợp người lao động vi phạm quy định về thời hạn báo trước khi nghỉ việc thì được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Căn cứ quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ:

- Không được trợ cấp thôi việc.

- Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

- Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2019.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 29,587

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]