Trường hợp nào học sinh được học vượt lớp?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
11/09/2023 13:00 PM

Cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì những trường hợp nào học sinh sẽ được học vượt lớp? - Thanh Tùng (Long An)

Trường hợp nào học sinh được học vượt lớp?

Trường hợp nào học sinh được học vượt lớp? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về độ tuổi ở các cấp học của học sinh

Theo khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy định về các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông được quy định như sau:

- Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm;

- Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm;

- Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm.

2. Trường hợp nào học sinh được học vượt lớp?

Theo khoản 2 Điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy định trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định tại mục 1 bao gồm:

- Học sinh học vượt lớp trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ;

- Học sinh học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

* Theo đó, tại điểm e khoản 1 Điều 35 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT đối với trường hợp học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

- Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.

- Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: 

+ Hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; .

+ Giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.

- Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.

3. Nhiệm vụ của học sinh

Nhiệm vụ của học sinh theo Điều 34 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT như sau:

- Học tập, rèn luyện theo kế hoạch giáo dục, nội quy của nhà trường; có ý thức tự giác học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

- Thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ học tập; biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

- Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, người già, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.

- Chấp hành nội quy, bảo vệ tài sản nhà trường và nơi công cộng; chấp hành trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.

- Góp phần vào các hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, địa phương.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,552

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]