Nội dung giao dịch dân sự không rõ ràng thì phải giải thích như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
25/09/2023 08:30 AM

Xin cho tôi hỏi nội dung giao dịch dân sự không rõ ràng thì phải giải thích như thế nào? Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự gồm những gì? - Nhật Tân (Đồng Nai)

Nội dung giao dịch dân sự không rõ ràng thì phải giải thích như thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giao dịch dân sự là gì? 

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

(Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015)

2. Nội dung giao dịch dân sự không rõ ràng thì phải giải thích như thế nào?

Căn cứ theo Điều 121 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giải thích giao dịch dân sự như sau:

(i) Giao dịch dân sự có nội dung không rõ ràng, khó hiểu, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và không thuộc quy định theo khoản (ii) thì việc giải thích giao dịch dân sự đó được thực hiện theo thứ tự sau đây:

- Theo ý chí đích thực của các bên khi xác lập giao dịch;

- Theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch;

- Theo tập quán nơi giao dịch được xác lập.

(ii) Việc giải thích hợp đồng và giải thích nội dung di chúc:

(ii.1) Việc giải thích hợp đồng 

- Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng.

- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng.

- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

- Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.

- Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.

- Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.

(ii.2) Việc giải thích nội dung di chúc

Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.

3. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự 

Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

(Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Như vậy, theo quy định, giao dịch dân sự có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,511

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]