Xây nhà trên đất trồng cây lâu năm: 05 điều cần biết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
12/10/2023 10:16 AM

Xin hỏi hộ gia đình, cá nhân có được xây nhà trên đất trồng cây lâu năm không và nếu không thì phải làm như thế nào? - Văn Xuân (Long An)

Có được xây nhà trên đất trồng cây lâu năm không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 và Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất nông nghiệp có nghĩa vụ phải sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đúng mục đích sử dụng đất, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mà theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 thì đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp không có mục đích để ở. Do đó, hộ gia đình, cá nhân không được xây dựng nhà ở trên đất trồng cây lâu năm.

Xây nhà trên đất trồng cây lâu năm

Có được xây nhà trên đất trồng cây lâu năm không? (Hình từ internet)

Muốn xây nhà trên đất trồng cây lâu năm thì phải làm thế nào?

Như đã đề cập ở trên thì trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp không có mục đích để ở, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trồng cây lâu năm có nghĩa vụ phải sử dụng đất đúng mục đích đã được nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp muốn xây dựng nhà để ở trên diện tích đất trồng cây lâu năm mà hộ gia đình, cá nhân đang có thì phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở (hay thực tế còn gọi là đất thổ cư).

Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở có phải xin phép?

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 thì các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sau đây phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

- Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

- Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

- Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

- Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

- Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

- Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

- Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Như vậy: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất ở thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng nghĩa, muốn chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thẩm quyền cho phép chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Đất đai 2013thì Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

- Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;

- Giao đất đối với cộng đồng dân cư.

Do đó, trường hợp hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất ở thì phải được sự cho phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất.

Thủ tục chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở

Hộ gia đình cá nhân muốn chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất ở nộp hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất đến cơ quan tài nguyên và môi trường (nơi có đất) để được giải quyết theo thẩm quyền.

Hồ sơ xin phép bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

- Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ tiến hành thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở, hộ gia đình, cá nhân đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất ở sau khi được chuyển mục đích sử dụng.

Sau khi đã chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, thì hộ gia đình, cá nhân có thể tiến hành xây dựng nhà ở trên diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng. Lưu ý, nếu thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định định tại Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) thì hộ gia đình, cá nhân phải xin giấy phép xây dựng trước khi khởi công.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 32,387

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]