Thế nào là người làm việc không có quan hệ lao động?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
13/10/2023 14:30 PM

Tôi muốn biết thế nào là người làm việc không có quan hệ lao động? Quan hệ lao động sẽ được xây dựng như thế nào? – Chí Thành (Tiền Giang)

Thế nào là người làm việc không có quan hệ lao động?

Thế nào là người làm việc không có quan hệ lao động? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Thế nào là người làm việc không có quan hệ lao động?

Theo khoản 6 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019, người làm việc không có quan hệ lao động là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động.

Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.

Trong đó, quan hệ lao động sẽ được xây dựng như sau

- Quan hệ lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

- Người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Công đoàn tham gia cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; giám sát việc thi hành quy định của pháp luật về lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác được thành lập theo quy định của pháp luật có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

(Khoản 5 Điều 3 và Điều 7 Bộ luật Lao động 2019)

Người làm việc không có quan hệ lao động có phải là đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động 2019 không?

Các đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động 2019 bao gồm:

- Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động.

- Người sử dụng lao động.

- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Như vậy, người làm việc không có quan hệ lao động cũng là đối tượng thuộc phạm vi áp dụng của Bộ luật Lao động 2019.

(Điều 2Bộ luật Lao động 2019)

Nhà nước có chính sách nào cho người làm việc không có quan hệ lao động?

Cụ thể tại Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các chính sách của Nhà nước về lao động như sau:

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội.

- Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động; áp dụng một số quy định của Bộ luật Lao động 2019 đối với người làm việc không có quan hệ lao động.

- Có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động.

- Thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

- Bảo đảm bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên.

Theo nội dung trên, người làm việc không có quan hệ lao động vẫn sẽ được Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình và đồng thời áp dụng một số quy định của Bộ luật Lao động 2019 đối với người làm việc không có quan hệ lao động.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,216

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]