05 lỗi vi phạm áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
16/10/2023 16:30 PM

Xin hỏi những lỗi vi phạm áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức là gì? Ai có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức? - Nhật Tân (Đồng Nai)

05 lỗi vi phạm áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các hình thức kỷ luật đối công chức

Theo Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định các hình thức kỷ luật đối với công chức bao gồm:

Đối với cán bộ:

- Khiển trách.

- Cảnh cáo.

- Cách chức.

- Bãi nhiệm.

Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

- Khiển trách.

- Cảnh cáo.

- Hạ bậc lương.

- Buộc thôi việc.

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

- Khiển trách.

- Cảnh cáo.

- Giáng chức.

- Cách chức.

- Buộc thôi việc.

2. 05 lỗi vi phạm áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức

Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức.

Theo đó, hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;

(2) Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP;

(3) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

(4) Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền;

(5) Ngoài quy định nêu trên thì hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

3. Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức

- Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

- Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 28 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi chủ trì tổ chức họp kiểm điểm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

- Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật. Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc.

Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý công chức biệt phái.

- Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.

(Điều 24 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP))

Nguyễn Ngọc Quế Anh 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,440

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]