Hạn mức chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
17/10/2023 15:01 PM

Cho hỏi hỏi hạn mức chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là bao nhiêu? – Công Thành (Vĩnh Long)

Hạn mức chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Hạn mức chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Trường hợp nào được sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm?

Theo khoản 5 Điều 93 Nghị định 46/2023/NĐ-CP, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng trong các trường hợp sau:

- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán và đã áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán nhưng vẫn không khắc phục được, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm theo quyết định của Bộ Tài chính về việc chấm dứt áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán;

- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng kể từ thời điểm Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản;

- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm từ các doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán thì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng nhằm bảo đảm bù đắp thiếu hụt giữa tài sản và trách nhiệm bảo hiểm, cũng như thiếu hụt các khoản dự phòng nghiệp vụ tương ứng.

Hạn mức chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng Việt Nam/người được bảo hiểm/hợp đồng.

Trong đó, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tương ứng với từng trường hợp được quy định như sau:

(i) Đối với các hợp đồng đã xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng chưa được chi trả quyền lợi bảo hiểm, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm là quyền lợi bảo hiểm được hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;

(ii) Đối với các hợp đồng mang tính tiết kiệm, có giá trị hoàn lại và đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với giá trị hoàn lại của hợp đồng tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản;

(iii) Đối với các hợp đồng chỉ mang tính bảo vệ, không có giá trị hoàn lại và đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng phần phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;

(iv) Đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với giá trị tài khoản của khách hàng tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản;

(v) Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều người được bảo hiểm, hạn mức chi trả tối đa của Quỹ quy định tại (i), (ii), (iii) và (iv) được áp dụng đối với từng người được bảo hiểm, trừ trường hợp giữa những người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thỏa thuận khác tại hợp đồng bảo hiểm.

(Khoản 1 Điều 95 Nghị định 46/2023/NĐ-CP)

Thành phần hồ sơ đề nghị sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm để chi trả

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phá sản hoặc mất khả năng thanh toán gửi Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:

- Văn bản đề nghị sử dụng Quỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục XVIII Nghị định 46/2023/NĐ-CP;

- Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về phương án phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm đã được thực hiện xong (đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản);

- Bảng thống kê danh sách người được bảo hiểm và các hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không có khả năng thanh toán;

Các khoản phải thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm; thu đòi người thứ ba tại thời điểm Bộ Tài chính có quyết định về việc chấm dứt áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán (đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán) hoặc tại thời điểm đã thực hiện xong phương án phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp (đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản);

- Tài liệu thống kê về dự phòng nghiệp vụ, tài sản tương ứng dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng dự kiến chuyển giao của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản, số tiền bù đắp thiếu hụt giữa tài sản và trách nhiệm bảo hiểm, cũng như thiếu hụt các khoản dự phòng nghiệp vụ tương ứng cho doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định nhận chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm từ các doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.

(Khoản 1 Điều 96 Nghị định 46/2023/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,460

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]