Cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
31/10/2023 16:04 PM

Cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông như thế nào? Bộ Thông tin và Truyền thông có những nhiệm vụ và quyền hạn gì? – Thu Thủy (Hà Nội)

Cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Vị trí và chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo Điều 1 Nghị định 48/2022/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh và truyền hình; thông tin điện tử; thông tấn; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử; chuyển đổi số quốc gia và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

2. Cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông

Cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định tại Điều 3 Nghị định 48/2022/NĐ-CP, bao gồm:

- Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, bao gồm:

+ Vụ Bưu chính.

+ Vụ Khoa học và Công nghệ.

+ Vụ Kế hoạch - Tài chính.

+ Vụ Kinh tế số và Xã hội số.

+ Vụ Hợp tác quốc tế.

+ Vụ Pháp chế.

+ Vụ Tổ chức cán bộ.

+ Thanh tra Bộ.

+ Văn phòng Bộ.

+ Cục Báo chí.

+ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

+ Cục Xuất bản, In và Phát hành.

+ Cục Thông tin cơ sở.

+ Cục Thông tin đối ngoại.

+ Cục Viễn thông.

+ Cục Tần số vô tuyến điện.

+ Cục Chuyển đổi số quốc gia.

+ Cục An toàn thông tin.

+ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông.

+ Cục Bưu điện Trung ương.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, bao gồm:

+ Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông.

+ Trung tâm Thông tin.

+ Báo VietNamNet.

+ Tạp chí Thông tin và Truyền thông.

+ Học viện Công nghệ bưu chính, viễn thông.

+ Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông

Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định 123/2016/NĐ-CP, Nghị định 101/2020/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể tại Điều 2 Nghị định 48/2022/NĐ-CP, đơn cử như sau:

- Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm; chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động và các dự án, công trình quan trọng quốc gia; chương trình, đề án về cung cấp dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực; các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

- Ban hành các thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với hội, các tổ chức phi Chính phủ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

- Thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của bộ.

- Quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; đề xuất hoặc quyết định theo thẩm quyền việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

- Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực quản lý của bộ; thực hiện dự báo nhu cầu và định hướng phát triển nhân lực thông tin và truyền thông.

- Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,146

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]