Cách phân tuyến điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
01/11/2023 12:30 PM

Xin cho tôi hỏi phân tuyến điều trị bệnh đậu mùa khỉ được pháp luật quy định như thế nào? - Nhật Tân (Bình Dương)

Cách phân tuyến điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Cách phân tuyến điều trị bệnh đậu mùa khỉ (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cách phân tuyến điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Cụ thể tại tiểu mục 4.2 Mục 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2099/QĐ-BYT năm 2022 quy định về phân tuyến điều trị bệnh đậu mùa khỉ như sau:

- Tại y tế xã/phường, quận/huyện: ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh.

- Tuyến tỉnh, trung ương: ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai); ca bệnh có biến chứng nặng.

- Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị:

+ Giảm thị lực.

+ Giảm ý thức, hôn mê, co giật.

+ Suy hô hấp.

+ Chảy máu, giảm số lượng nước tiểu.

+ Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.

2. Nguyên tắc điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Căn cứ theo tiểu mục 3.1 Mục 3 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2099/QĐ-BYT năm 2022 quy định nguyên tắc điều trị bệnh đậu mùa khỉ như sau:

- Thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ/ xác định;

- Điều trị triệu chứng là chủ yếu;

- Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý;

- Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch,…) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt Nam.

- Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.

3. Hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ

(1) Các biện pháp điều trị chung

- Cách ly tại cơ sở y tế các trường hợp nghi ngờ/xác định theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế.

- Cá thể hóa việc điều trị cho từng người bệnh.

(2) Thể nhẹ

Điều trị triệu chứng như:

- Hạ sốt, giảm đau.

- Chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng.

- Bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải.

- Cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có: viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức.

- Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định

(3) Thể nặng

Cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã ban hành

(4) Thuốc điều trị đặc hiệu

- Chỉ định

+ Người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não…).

+ Người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao…).

+ Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi.

+ Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

+ Những người đang có bệnh cấp tính tiến triển.

- Các thuốc điều trị sử dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (tham khảo phụ lục 2)

+ Tecovirimat

+ Cidofovir

+ Brincidofovir

+ Globulin miễn dịch tĩnh mạch

(Tiểu mục 3.2 Mục 3 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2099/QĐ-BYT năm 2022)

4. Hướng dẫn phòng bệnh đậu mùa khỉ

(1) Phòng bệnh không đặc hiệu

Các biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây nhiễm đậu mùa khỉ bao gồm:

- Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).

- Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm vi rút đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh.

- Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/ động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.

- Thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các quy định để có biện pháp xử trí phù hợp.

(2) Phòng bệnh đặc hiệu bằng vắc xin

Sử dụng vắc xin để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

(3) Phòng lây nhiễm tại các cơ sở điều trị

Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly các trường hợp bệnh nghi ngờ, có thể và xác định. Tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc người bệnh và các người bệnh khác tại các cơ sở điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

(Mục 5 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2099/QĐ-BYT năm 2022)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 699

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]