Số lượng ủy viên Ban chấp hành Đoàn các cấp theo Hướng dẫn 16-HD/TWĐTN-BTC năm 2018

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
16/12/2023 13:00 PM

Cho tôi hỏi số lượng ủy viên Ban chấp hành Đoàn các cấp được quy định mới nhất như thế nào? - Anh Duy (Tiền Giang)

Số lượng ủy viên ban chấp hành đoàn các cấp theo Hướng dẫn 16-HD/TWĐTN-BTC năm 2018

Số lượng ủy viên Ban chấp hành Đoàn các cấp theo Hướng dẫn 16-HD/TWĐTN-BTC năm 2018 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Số lượng ủy viên Ban chấp hành Đoàn các cấp theo Hướng dẫn 16-HD/TWĐTN-BTC năm 2018

Theo Hướng dẫn 16-HD/TWĐTN-BTC năm 2018 thì số lượng ủy viên Ban chấp hành Đoàn các cấp được quy định như sau:

* Chi đoàn

- Có dưới 09 đoàn viên: có bí thư, nếu cần thiết thì có thể có 01 phó bí thư.

- Có từ 09 đoàn viên trở lên: ban chấp hành có từ 03 đến 05 ủy viên, trong đó có bí thư và phó bí thư.

* Đoàn cơ sở

Ban chấp hành có từ 05 đến 15 ủy viên. Nếu ban chấp hành có dưới 09 ủy viên thì có bí thư và 01 phó bí thư; có từ 09 ủy viên trở lên thì bầu ban thường vụ gồm bí thư, phó bí thư và các ủy viên ban thường vụ; trường hợp cần thiết, sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của cấp ủy đảng cùng cấp và đoàn cấp trên trực tiếp ban chấp hành có thể bầu 02 phó bí thư.

* Đoàn cấp huyện: 

Ban chấp hành có từ 15 đến 33 ủy viên; ban thường vụ có từ 05 đến 11 ủy viên. Trong ban thường vụ có bí thư và từ 01 đến 02 phó bí thư, trường hợp đặc biệt có thể có 03 phó bí thư do ban chấp hành quyết định sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của cấp ủy đảng cùng cấp và đoàn cấp trên trực tiếp.

* Đoàn cấp tỉnh:

Ban chấp hành có từ 21 đến 45 ủy viên; ban thường vụ có từ 07 đến 15 ủy viên và không quá 3 phó bí thư.

- Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Tỉnh đoàn Nghệ An được phép bầu không quá 55 ủy viên ban chấp hành, 17 ủy viên ban thường vụ và 04 phó bí thư. Thành đoàn Hà Nội, Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh được phép bầu không quá 61 ủy viên ban chấp hành, 19 ủy viên ban thường vụ và 04 phó bí thư.

- Trường hợp đặc biệt do ban thường vụ Trung ương Đoàn quyết định.

2. Quy định về Ban chấp hành Đoàn các cấp

Quy định về Ban chấp hành Đoàn các cấp theo Hướng dẫn 16-HD/TWĐTN-BTC năm 2018 như sau:

* Về xây dựng ban chấp hành khóa mới

** Xây dựng ban chấp hành bảo đảm 5 yêu cầu cơ bản sau:

- Đảm bảo tiêu chuẩn do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quy định.

- Đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

- Đảm bảo tính thiết thực.

- Đảm bảo tính kế thừa.

- Đảm bảo độ tuổi bình quân.

** Cơ cấu ban chấp hành: Cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm, chủ chốt các cấp; đoàn viên tiêu biểu có điều kiện và khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

- Coi trọng cán bộ trưởng thành từ phong trào thanh niên. Đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ, thành phần dân tộc, cán bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội,...

- Trong dự kiến cơ cấu ban chấp hành cần dự kiến cả nhiệm vụ sẽ được phân công sau đại hội.

- Đồng chí bí thư, phó bí thư đoàn điều hành và ký các văn bản theo thẩm quyền ngay sau khi công bố kết quả bầu cử Đại hội. Riêng kiện toàn bổ sung tại hội nghị thì chỉ khi có quyết định chuẩn y của ban chấp hành đoàn cấp trên đồng chí bí thư, phó bí thư mới được ký các văn bản theo thẩm quyền.

* Cho rút tên, xóa tên, thôi giữ chức vụ và bổ sung ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, bí thư ban chấp hành Đoàn các cấp. Việc này áp dụng với cả ủy viên ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra các cấp.

** Việc rút tên, xóa tên, thôi giữ chức vụ

- Ủy viên ban chấp hành chuyển khỏi công tác Đoàn thì đương nhiên thôi tham gia ban chấp hành Đoàn các cấp tại thời điểm quyết định chuyển công tác có hiệu lực.

- Đối với ủy viên ban chấp hành chuyển công tác trong hệ thống Đoàn:

+ Trường hợp ủy viên ban chấp hành Đoàn cấp dưới (không là ủy viên ban chấp hành Đoàn cấp trên) khi chuyển công tác lên cơ quan chuyên trách Đoàn cấp trên thì đương nhiên thôi tham gia ban chấp hành Đoàn cấp dưới.

+ Trường hợp ủy viên ban chấp hành Đoàn cấp dưới đồng thời là ủy viên ban chấp hành Đoàn cấp trên nếu chuyển công tác lên cơ quan chuyên trách Đoàn cấp trên thì đương nhiên thôi tham gia ban chấp hành Đoàn cấp dưới; việc tham gia hay không tham gia ban chấp hành đoàn cấp trên do ban chấp hành Đoàn cấp trên quyết định.

+ Trường hợp ủy viên ban chấp hành Đoàn cấp trên (không là ủy viên ban chấp hành Đoàn cấp dưới) chuyển công tác xuống Đoàn cấp dưới thì việc có giữ ban chấp hành Đoàn cấp trên không do ban chấp hành đoàn cấp trên quyết định.

+ Trường hợp ủy viên ban chấp hành chuyển sang tổ chức đoàn ngang cấp thì do ban chấp hành đoàn cấp trên quyết định.

- Đối với các chức danh bí thư, phó bí thư đoàn các cấp trước khi thôi tham gia ban chấp hành phải báo cáo cấp ủy đảng (ở nơi có cấp ủy đảng) và đoàn cấp trên trực tiếp.

- Nếu rút tên hoặc xóa tên trong ban chấp hành thì không còn là ủy viên ban thường vụ và không còn giữ chức vụ bí thư, phó bí thư (nếu có). Nếu chỉ rút tên trong ban thường vụ thì không còn giữ chức vụ bí thư, phó bí thư (nếu có) nhưng vẫn còn là ủy viên ban chấp hành. Nếu chỉ thôi giữ chức vụ bí thư, phó bí thư thì vẫn còn là ủy viên ban thường vụ.

** Việc bổ sung, kiện toàn

- Chỉ bổ sung ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư khi khuyết các chức danh đó. Sau khi bầu bổ sung thì gửi văn bản đề nghị, biên bản bầu cử, biên bản họp ban chấp hành và lý lịch trích ngang của người được bầu lên đoàn cấp trên xét quyết định công nhận trong thời hạn không quá 15 ngày.

- Chậm nhất sau 15 ngày, kể từ ngày Đoàn cấp dưới gửi hồ sơ đề nghị chuẩn y ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư (hồ sơ đảm bảo theo quy định), ban chấp hành Đoàn cấp trên phải có quyết định chuẩn y (hoặc văn bản không chuẩn y).

- Bổ sung ủy viên ban chấp hành từ cấp tỉnh trở xuống: số lượng bổ sung trong cả nhiệm kỳ không quá số lượng ủy viên ban chấp hành do đại hội quyết định. Việc bổ sung ủy viên ban chấp hành vượt quá phạm vi số lượng ủy viên ban chấp hành do đại hội quyết định thì phải tổ chức hội nghị đại biểu để bầu cử.

- Bổ sung ủy viên ban thường vụ: ban chấp hành bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ trong số các ủy viên ban chấp hành.

- Kiện toàn bí thư, bổ sung phó bí thư: ban chấp hành bầu bí thư, phó bí thư trong số các ủy viên ban thường vụ hoặc ủy viên ban chấp hành (nếu không có ban thường vụ). Trước khi tiến hành bầu phải được sự thống nhất của cấp ủy cùng cấp và đoàn cấp trên trực tiếp.

- Bổ sung người chưa là ủy viên ban chấp hành vào ban thường vụ, phó bí thư, bí thư của cấp đó: ban chấp hành tiến hành bầu bổ sung người đó vào ban chấp hành sau đó bầu vào ban thường vụ, bầu bí thư, phó bí thư.

- Trong cùng một cuộc họp, người vừa được bầu bổ sung vào ban chấp hành chưa có quyền bầu cử tại cuộc họp đó.

- Trường hợp cần thiết, đoàn cấp trên trực tiếp có quyền:

+ Chỉ định người vào ban chấp hành, ban thường vụ và giữ các chức danh theo đề nghị của ban chấp hành đoàn cấp dưới (nếu cấp ủy cùng cấp thống nhất).

+ Chỉ định tăng thêm số lượng ủy viên ban chấp hành cấp dưới nhưng phải đảm bảo số lượng ủy viên ban chấp hành cấp đó không vượt quá 15% số lượng ủy viên ban chấp hành đã được đại hội quyết định.

+ Đối với cán bộ biệt phái hoặc cử đi đào tạo thực tế ở cơ sở, đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và giữ các chức danh trong ban chấp hành đoàn nơi đến. 

Trong trường hợp đó, số lượng ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư đoàn nơi tiếp nhận cán bộ được phép cao hơn quy định tại mục 4, Điều 5, khoản 2 Hướng dẫn 16-HD/TWĐTN-BTC năm 2018. Cơ cấu chỉ định này không được kiện toàn, bổ sung sau khi người giữ chức vụ kết thúc thời gian công tác.

+ Nếu việc chỉ định làm cho số lượng ủy viên ban thường vụ vượt quá một phần ba số lượng ủy viên ban chấp hành thì đoàn nơi tiếp nhận cán bộ được phép tăng thêm số lượng ủy viên ban chấp hành để đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Điều lệ Đoàn nhưng số ủy viên ban chấp hành chỉ định thêm không quá 15% số lượng đã được đại hội quyết định.

+ Cán bộ kết thúc thời gian công tác ở cơ sở thì thôi tham gia ban chấp hành tại thời điểm có quyết định của cấp ra quyết định chỉ định.

* Chế độ sinh hoạt, tham gia hoạt động với cấp cơ sở của ủy viên Ban chấp hành Đoàn các cấp

** Đối với ủy viên ban chấp hành các cấp đang trong độ tuổi đoàn viên phải tham gia sinh hoạt theo đúng nhiệm vụ của người đoàn viên.

** Đối với ủy viên ban chấp hành không trong độ tuổi đoàn viên:

- Ủy viên ban chấp hành cấp nào thực hiện nhiệm vụ và chế độ sinh hoạt, hoạt động theo quy chế hoạt động của ban chấp hành cấp đó.

- Nếu một đồng chí tham gia ủy viên ban chấp hành của nhiều cấp thì thực hiện theo chế độ ủy viên ban chấp hành cao nhất mà đồng chí đó tham gia.

** Chế độ sinh hoạt, hoạt động với cấp cơ sở được kiểm điểm trong báo cáo kiểm điểm hàng năm của ủy viên ban chấp hành các cấp của Đoàn và là một trong các tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ủy viên ban chấp hành.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,733

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]