Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay là ai?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
17/01/2024 13:31 PM

Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay là ai? Nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Y tế gồm những gì? – Thanh Hà (Bình Phước)

Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay là ai?

Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay là ai? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay là ai?

Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay là đồng chí Đào Hồng Lan

Năm sinh: 1971

Quê quán: Kim Thành, Hải Dương

Dân tộc: Kinh

Ngày 21/10/2022, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan, Bí thư Ban cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử Chính phủ

2. Nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Y tế

- Chỉ đạo, điều hành chung các hoạt động của Bộ Y tế.

- Là đầu mối liên hệ với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương.

- Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực: xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành y tế; công tác pháp chế ngành y tế; công tác tổ chức cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác kế hoạch tài chính y tế; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; công tác thanh tra y tế và giải quyết khiếu nại tố cáo. Tham gia các Ban Chỉ đạo, các tổ chức phối hợp liên ngành Trung ương theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Theo dõi và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ:

+ Vụ Tổ chức cán bộ;

+ Vụ Kế hoạch - Tài chính;

+ Vụ Pháp chế;

+ Thanh tra Bộ Y tế.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của Bộ trưởng theo quy định của pháp luật và sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(Khoản 1 Điều 4 Quyết định 2485/QĐ-BYT năm 2022)

3. Một số nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Y tế

Bộ Y tế thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định 123/2016/NĐ-CP; Nghị định 101/2020/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể được quy định tại Điều 2 Nghị định 95/2022/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 96/2023/NĐ-CP, đơn cử như:

- Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của Bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hằng năm và các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia về y tế - dân số thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

- Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ hoặc theo phân công.

- Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia sau khi được phê duyệt; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

- Quản lý hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Y tế theo mục tiêu và nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ.

- Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế công chức, số lượng viên chức, vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, từ chức, cách chức, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu; thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện hợp tác quốc tế về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

- Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật; quản lý Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá theo quy định của pháp luật.

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện phòng, chống tham nhũng và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê của ngành y tế theo quy định của pháp luật; tổ chức thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý và lưu trữ thông tin thống kê ngành y tế; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ngành y tế.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,725

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]