Thủ tục nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động (Hình từ internet)
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Công văn 1554/BKHĐT-TCCB năm 2023 về giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động.
Để thống nhất việc triển khai giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc diện Bộ trực tiếp quản lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn như sau:
- Vụ Tổ chức cán bộ là đơn vị đầu mối tiếp nhận đơn, hồ sơ đề nghị nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động của công chức, viên chức, người lao động và tổng hợp, tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ phê duyệt chủ trương.
- Thời điểm nghỉ hưu đối với công chức, viên chức, người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động được tính từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động.
- Việc giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động thực hiện theo trình tự, thủ tục ban hành kèm theo Văn bản này.
Trình tự, thủ tục xem xét, giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc diện Bộ trực tiếp quản lý như sau:
(1) Công chức, viên chức, người lao động có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi (do suy giảm khả năng lao động) báo cáo người đứng đầu đơn vị để biết và cho ý kiến.
(2) Đơn của công chức, viên chức, người lao động và ý kiến của Người đứng đầu đơn vị (trực tiếp tại Đơn của cá nhân hoặc bằng văn bản riêng) gửi về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt chủ trương.
(3) Vụ Tổ chức cán bộ thông báo chủ trương của Lãnh đạo Bộ để Người đứng đầu đơn vị và công chức, viên chức, người lao động được biết.
Trường hợp Lãnh đạo Bộ đồng ý, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì hướng dẫn và hoàn thiện thủ tục giới thiệu công chức, viên chức, người lao động đi giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động.
(4) Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi có kết luận giám định y khoa, CCVC báo cáo kịp thời kết quả giám định y khoa với Người đứng đầu đơn vị và gửi bản gốc hoặc bản sao (công chứng) về Vụ Tổ chức cán bộ.
Trường hợp CCVC đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ký ban hành quyết định nghỉ hưu và hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định.
(1) Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật BHXH, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đủ tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 (Xem tại đây) và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
+ Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 (Xem tại đây) và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; tức là năm 2022, nam phải đủ 50 tuổi 06 tháng và nữ phải đủ 45 tuổi 08 tháng, những năm tiếp theo tăng lên theo lộ trình.
- Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quy định khác.
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
(2) Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 Luật BHXH khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 Luật BHXH nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
+ Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
(3) Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 Luật BHXH khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019.
+ Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.