Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tiếng anh (Lớp 1, lớp 2)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
26/03/2024 16:13 PM

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tiếng anh (Lớp 1, lớp 2) được xây dựng dựa trên những quan điểm nào? – Hà Thu (Thái Bình)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tiếng anh (Lớp 1, lớp 2)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tiếng anh (Lớp 1, lớp 2) (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tiếng anh (Lớp 1, lớp 2) được quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.

1. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tiếng anh (Lớp 1, lớp 2)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tiếng anh (Lớp 1, lớp 2)

Chương trình Làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được xây dựng để đáp ứng nhu cầu làm quen với tiếng Anh của học sinh lớp 1 và lớp 2 trong bối cảnh môn học Tiếng Anh được đưa vào chương trình học chính thức cho học sinh tiểu học bắt đầu từ lớp 3. Với vai trò là một trong những môn học có tính công cụ ở trường phổ thông, môn học này không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn hình thành và phát triển các năng lực chung và năng lực thẩm mĩ; để sống và làm việc hiệu quả; để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.

Chương trình được xây dựng như một môn ngoại ngữ tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 và đảm bảo tính liên thông với chương trình môn Tiếng Anh được dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Trong quá trình tổ chức thực hiện môn học này với tư cách là môn tự chọn, nhà trường cần xét đến các điều kiện thực hiện phù hợp để Chương trình đạt hiệu quả cao nhất.

Đặc điểm của học sinh lứa tuổi sáu, bảy là phát triển ngôn ngữ thông qua trải nghiệm thế giới. Học sinh có thiên hướng lĩnh hội ngôn ngữ một cách tự nhiên hơn là lĩnh hội ngôn ngữ một cách có chủ đích. Đồng thời, các em cũng đang trong giai đoạn học đọc và viết tiếng mẹ đẻ. Vì những lí do này, Chương trình ưu tiên phát triển kĩ năng nghe hiểu thông qua những tình huống giao tiếp đơn giản hằng ngày, câu chuyện, bài vè và bài hát. Kĩ năng nói đơn giản có thể được phát triển theo độ sẵn sàng của học sinh.

Chương trình được thiết kế và phân bổ cho 140 tiết học trong 4 học kì (2 kì của lớp 1 và 2 kì của lớp 2). Nội dung Chương trình và mục tiêu dạy học được lựa chọn và sắp xếp dựa theo mục tiêu năng lực giao tiếp. Việc kiểm tra đánh giá được lồng ghép vào các hoạt động trên lớp.

2. Quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tiếng anh (Lớp 1, lớp 2)

- Chương trình tuân thủ các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể gồm định hướng chung cho tất cả các môn học về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình.

- Chương trình được xây dựng dựa trên nền tảng lí luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học hiện đại. Cơ sở lí luận và thực tiễn của chương trình: Các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lí học và phương pháp dạy học Tiếng Anh hiện đại; các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh; phương pháp xây dựng chương trình môn Tiếng Anh như một ngoại ngữ của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam; thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, chú ý đến sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.

- Chương trình được xây dựng theo đường hướng giao tiếp. Theo đó, năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là một trong các phương tiện để hình thành và phát triển các kĩ năng giao tiếp. Ở hai lớp đầu cấp Tiểu học này, việc dạy học cần nhấn mạnh đến kĩ năng nghe hiểu. Kĩ năng nói đơn giản có thể được phát triển tuỳ theo mức độ sẵn sàng của học sinh.

- Chương trình được sắp xếp theo mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp. Mục tiêu ngôn ngữ được xác định làm phương tiện để hình thành và phát triển năng lực giao tiếp tương ứng. Hệ thống chủ điểm, chủ đề được lựa chọn gần gũi với người học, có thể lặp lại, mở rộng qua các năm học để củng cố năng lực giao tiếp của học sinh.

- Chương trình được xây dựng theo quan điểm Thiết kế Trung tâm. Trong quan điểm này, phương pháp dạy học là yếu tố được xem xét đầu tiên để từ đó xác định nội dung và yêu cầu đầu ra. Chương trình nhấn mạnh đến những yếu tố sau đây:

+ Phương pháp và các nguyên tắc dạy học là nhân tố rất quan trọng trong quá trình dạy và học.

+ Tiến trình học tập của người học được chú trọng hơn mục tiêu, yêu cầu cần đạt đã xác định từ trước.

+ Học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua hoạt động học tập tích cực, chủ động và sáng tạo; thông qua hoạt động trải nghiệm; với tư cách là những cá thể độc lập. d) Điều kiện dạy học tiếng Anh đa dạng ở các địa phương.

+ Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, hướng dẫn quá trình dạy học, khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,794

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]