Ai có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Cụ thể, khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
Trong trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định là tội phạm chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can hoặc trực tiếp ra quyết định khởi tố bị can nếu đã yêu cầu nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện.
Hoặc sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra nếu Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định là tội phạm trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.
Như vậy, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát là những đối tượng có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can.
Lưu ý: Quyết định khởi tố bị can ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, chỗ ở, nghề nghiệp của bị can; bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều, khoản nào của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017); thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.
Trường hợp bị can bị khởi tố về nhiều tội khác nhau thì quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) được áp dụng.
(Khoản 1, 2, 4 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
**Trường hợp thay đổi quyết định khởi tố bị can
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thay đổi quyết định khởi tố bị can khi thuộc một trong các trường hợp:
- Khi tiến hành điều tra nếu có căn cứ xác định hành vi của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố;
- Quyết định khởi tố ghi không đúng họ, tên, tuổi, nhân thân của bị can.
(Khoản 1 Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
**Trường hợp bổ sung quyết định khởi tố bị can
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải bổ sung quyết định khởi tố bị can nếu có căn cứ xác định bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định là tội phạm.
(Khoản 2 Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Hệ thống Cơ quan Điều tra sẽ phân thành 03 nhóm như sau:
(1) Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân.
- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh).
- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện).
(2) Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân.
- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.
- Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.
(3) Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.
(Điều 4, 5, 6, 7 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)