Trường hợp phát hiện sổ kế toán của tổ chức tài chính vi mô có sai sót trong các kỳ trước thì làm thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/03/2024 17:45 PM

Xin hỏi trường hợp phát hiện sổ kế toán của tổ chức tài chính vi mô có sai sót trong các kỳ trước thì làm thế nào? - Hoàng My (Bình Dương)

Trường hợp phát hiện sổ kế toán của tổ chức tài chính vi mô có sai sót trong các kỳ trước thì làm thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Sổ kế toán của tổ chức tài chính vi mô là gì?

- Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian có liên quan đến tổ chức vi mô. 

Mỗi tổ chức tài chính vi mô chỉ có một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán. Tổ chức tài chính vi mô phải thực hiện các quy định về sổ kế toán trong Luật Kế toán 2015, Nghị định 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kế toán 2015 và các văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015.

- Tổ chức tài chính vi mô được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu.

- Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, tổ chức tài chính vi mô được tự xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình trên cơ sở đảm bảo thông tin về các giao dịch phải được phản ánh đầy đủ, kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu

(Điều 81 Thông tư 05/2019/TT-BTC)

2. Trường hợp phát hiện sổ kế toán của tổ chức tài chính vi mô có sai sót trong các kỳ trước thì làm thế nào?

Theo Điều 84 Thông tư 05/2019/TT-BTC quy định sửa chữa sổ kế toán của tổ chức tài chính vi mô như sau:

Khi phát hiện sổ kế toán của kỳ báo cáo có sai sót thì phải sửa chữa bằng phương pháp phù hợp với quy định của Luật kế toán 2015, cụ thể:

- Khi phát hiện sổ kế toán có sai sót thì không được tẩy xóa làm mất dấu vết thông tin, số liệu ghi sai mà phải sửa chữa theo một trong ba phương pháp sau đây:

+ Ghi cải chính bằng cách gạch một đường thẳng vào chỗ sai và ghi số hoặc chữ đúng ở phía trên và phải có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh;

+ Ghi số âm bằng cách ghi lại số sai bằng mực đỏ hoặc ghi lại số sai trong dấu ngoặc đơn, sau đó ghi lại số đúng và phải có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh;

+ Ghi điều chỉnh bằng cách lập “chứng từ điều chỉnh” và ghi thêm số chênh lệch cho đúng.

- Trường hợp phát hiện sổ kế toán có sai sót trước khi báo cáo tài chính năm được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đó.

- Trường hợp phát hiện sổ kế toán có sai sót sau khi báo cáo tài chính năm đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc sửa chữa này.

- Sửa chữa sổ kế toán trong trường hợp ghi sổ bằng phương tiện điện tử được thực hiện theo phương pháp ghi điều chỉnh bằng cách lập “chứng từ điều chỉnh” và ghi thêm số chênh lệch cho đúng.

Trường hợp phát hiện sai sót trong các kỳ trước, tổ chức tài chính vi mô phải điều chỉnh hồi tố theo quy định của chuẩn mực kế toán “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”.

Như vậy, trường hợp phát hiện sổ kế toán của tổ chức tài chính vi mô có sai sót trong các kỳ trước thì phải điều chỉnh hồi tố theo quy định của chuẩn mực kế toán “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”.

3. Trách nhiệm của người giữ và ghi sổ kế toán của tổ chức tài chính vi mô

Căn cứ theo Điều 82 Thông tư 05/2019/TT-BTC quy định trách nhiệm của người giữ và ghi sổ kế toán của tổ chức tài chính vi mô như sau:

Sổ kế toán phải được quản lý chặt chẽ, phân công rõ ràng trách nhiệm cá nhân giữ và ghi sổ. Sổ kế toán giao cho nhân viên nào thì nhân viên đó phải chịu trách nhiệm về những điều ghi trong sổ và việc giữ sổ trong suốt thời gian dùng sổ. Khi có sự thay đổi nhân viên giữ và ghi sổ, kế toán trưởng phải tổ chức việc bàn giao trách nhiệm quản lý và ghi sổ kế toán giữa nhân viên cũ và nhân viên mới. Biên bản bàn giao phải được kế toán trưởng ký xác nhận.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 593

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]