Có được làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hay không? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Căn cứ giá trị và yêu cầu bảo quản di vật, cổ vật theo quy định nêu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định giao di vật, cổ vật đó cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị.
Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của Chính phủ.
(Điều 41 Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009)
Theo Điều 46 Luật Di sản văn hóa 2001 quy định việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải bảo đảm các điều kiện sau:
- Có mục đích rõ ràng;
- Có bản gốc để đối chiếu;
- Có dấu hiệu riêng để phân biệt với bản gốc;
- Có sự đồng ý của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
- Có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hoá, thể thao và du lịch.
Như vậy, để được làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện nêu trên và các quy định khác của cơ quan có thẩm quyền.
Thẩm quyền cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quy định tại Điều 23 Nghị định 98/2010/NĐ-CP như sau:
- Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.
- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật; bảo vật quốc gia thuộc di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, bảo tàng cấp tỉnh và sở hữu tư nhân.
Lưu ý: Căn cứ vào mục đích của việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, người có thẩm quyền cấp phép quyết định số lượng bản sao được làm.
Chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ Điều 55 Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định tổ chức và hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia như sau:
- Chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Là công dân Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;
+ Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
+ Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
+ Có đủ phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
- Hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định sau đây:
+ Chỉ mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc hợp pháp;
+ Chỉ mua bán bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của tổ chức, cá nhân có giấy phép làm bản sao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 23 của Nghị định 98/2010/NĐ-CP;
+ Đối với những bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia khi trưng bày để mua bán phải ghi rõ là bản sao;
+ Thực hiện và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để người mua tiến hành đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc xin giấy phép mang di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc loại được phép mang ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
+ Thực hiện các quy định của pháp luật về sổ sách đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua vào và bán ra, sổ sách tài chính kế toán và nghĩa vụ nộp thuế.
Đoàn Đức Tài