Hướng dẫn giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với các trường hợp cá biệt (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 8 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp cá biệt như sau:
(1) Đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế, thì người sử dụng lao động thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho họ.
(2) Đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho họ thì khoản tiền tương ứng với chế độ chi trợ cấp quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thay cho cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện như sau:
- Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần bằng mức quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
- Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng bằng mức quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất được thì thực hiện hình thức chi trả theo yêu cầu của người lao động.
(3) Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại thời điểm không đăng ký đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo thời hạn được pháp luật quy định thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết quyền lợi đối với người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và (3) mục này.
(4) Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý, ngay trong tháng đầu đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau thời gian đóng bảo hiểm gián đoạn do chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tháng đó.
(5) Đối với người lao động sau khi đã nghỉ việc hoặc đã về hưu người sử dụng lao động mới lập hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động trong thời gian người lao động làm việc thì người sử dụng lao động chuyển hồ sơ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi người lao động đang cư trú hoặc nơi chi trả lương hưu và trong trường hợp này hồ sơ không gồm sổ bảo hiểm xã hội.
(6) Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 là trường hợp người lao động bị tai nạn do sử dụng ma túy, chất gây nghiện theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
(7) Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì đơn vị nơi phân công nhiệm vụ, công việc cho người lao động dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chịu trách nhiệm lập hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
(8) Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn trên đường đi từ nơi làm việc của đơn vị này đến nơi làm việc của đơn vị khác trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý mà được xác định là tai nạn hưởng chế độ tai nạn lao động, thì đơn vị nơi người lao động đến làm việc được xác định là đơn vị nơi người lao động bị tai nạn và người sử dụng lao động của đơn vị đó phải chịu trách nhiệm lập hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động cho người lao động.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo Điều 16 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
- Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
- Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.
- Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
- Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.