Căn cứ xác lập quyền dân sự và phương thức bảo vệ quyền dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
23/04/2024 09:30 AM

Cho tôi hỏi có những căn cứ nào để xác lập quyền dân sự và bảo vệ quyền dân sự bằng phương thức nào? – Thúy Ngọc (Tiền Giang)

Căn cứ xác lập quyền dân sự và phương thức bảo vệ quyền dân sự

Căn cứ để xác lập quyền dân sự và phương thức bảo vệ quyền dân sự ( Hình từ internet)

Vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Căn cứ theo Điều 2 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

1. Căn cứ xác lập quyền dân sự

Căn cứ xác lập quyền dân sự được quy định tại Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015, gồm các căn cứ sau:

- Hợp đồng.

- Hành vi pháp lý đơn phương.

- Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của Luật.

- Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

- Chiếm hữu tài sản.

- Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

- Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.

- Thực hiện công việc không có ủy quyền.

- Căn cứ khác do pháp luật quy định.

2. Phương thức bảo vệ quyền dân sự

Căn cứ theo Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

- Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.

- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

- Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

- Buộc thực hiện nghĩa vụ.

- Buộc bồi thường thiệt hại.

- Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

- Yêu cầu khác theo quy định của luật.

Theo đó, các phương thức được quy định cụ thể như sau:

[1] Tự bảo vệ quyền dân sự

Căn cứ theo Điều 12 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015.

[2] Bồi thường thiệt hại

Căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

[3] Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền 

Căn cứ theo Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 

- Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.

Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.

Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật có quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.

- Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật Dân sự 2015 được áp dụng.

[4] Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền

Căn cứ theo Điều 15 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 

Khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

Trường hợp quyết định cá biệt bị hủy thì quyền dân sự bị xâm phạm được khôi phục và có thể được bảo vệ bằng các phương thức quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015.

Dương Thị Hoài Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,969

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]