05 điều cần biết về Hội Cựu chiến binh Việt Nam mới nhất (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đại diện ý chí, nguyện vọng của Cựu chiến binh, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(Điều 3 Pháp lệnh Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2005)
Hội Cựu chiến binh Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc như sau:
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện.
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam hoạt động theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội.
(Điều 9 Pháp lệnh Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2005)
Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được tổ chức từ Trung ương đến cơ sở gồm:
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
- Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Hội Cựu chiến binh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn.
Tổ chức, biên chế bộ máy giúp việc của Hội Cựu chiến binh các cấp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.
Trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Hội Cựu chiến binh được tổ chức như sau:
- Hội Cựu chiến binh ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị Trung ương mà tổ chức Đảng thuộc Đảng uỷ khối cơ quan Trung ương thì tổ chức Hội Cựu chiến binh đó trực thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
- Hội Cựu chiến binh ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị mà tổ chức Đảng thuộc cấp uỷ địa phương thì tổ chức Hội Cựu chiến binh đó trực thuộc Hội Cựu chiến binh cùng cấp đồng thời chịu sự chỉ đạo thống nhất về nghiệp vụ của Hội Cựu chiến binh cấp trên.
Trong doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện thành lập Hội Cựu chiến binh thì được tổ chức như sau:
- Đối với doanh nghiệp có tổ chức Đảng thì Hội Cựu chiến binh cấp trên cơ sở cùng với tổ chức Đảng tại doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện cụ thể phối hợp với doanh nghiệp thành lập Hội Cựu chiến binh tại doanh nghiệp đó.
- Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, nếu người lao động là cựu chiến binh có nhu cầu thành lập hội thì tổ chức Đảng cấp trên cơ sở phối hợp với doanh nghiệp và Hội Cựu chiến binh cấp trên cơ sở xem xét, quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh tại doanh nghiệp đó.
(Điều 10 Pháp lệnh Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2005 và Điều 7 Nghị định 150/2006/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 157/2016/NĐ-CP)
Hội Cựu chiến binh Việt Nam có những nhiệm vụ như sau:
- Tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; chống các quan điểm sai trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.
- Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; kiến nghị với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh.
- Tập hợp, đoàn kết, động viên Cựu chiến binh rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; tập hợp quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia tổ chức câu lạc bộ, Ban liên lạc Cựu quân nhân, các phong trào cách mạng ở cơ sở.
- Tổ chức chăm lo, giúp đỡ Cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; tổ chức các hoạt động tình nghĩa để Cựu chiến binh tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Cựu chiến binh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho Cựu chiến binh.
- Tiến hành các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
- Phối hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan quân sự giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ.
(Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2005)
(1) Nguồn kinh phí hoạt động của Hội Cựu chiến binh bao gồm:
- Nguồn thu hội phí;
- Nguồn viện trợ, tài trợ;
- Nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, gồm:
+ Kinh phí của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và của Hội Cựu chiến binh các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương do ngân sách Trung ương bảo đảm.
+ Kinh phí của Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và của Hội Cựu chiến binh các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm.
- Nguồn hỗ trợ từ các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức khác;
- Các nguồn thu khác (nếu có).
(2) Tài sản của Hội Cựu chiến binh bao gồm:
- Tài sản Nhà nước giao;
- Tài sản do cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài tài trợ, cho, tặng theo quy định của pháp luật.
(3) Kinh phí hoạt động của tổ chức Hội Cựu chiến binh trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và doanh nghiệp do các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp đó bảo đảm và được hạch toán chi phí hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
(4) Kinh phí, tài sản của Hội Cựu chiến binh được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
(5) Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động của Hội Cựu chiến binh thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
(Điều 9 Nghị định 150/2006/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 157/2016/NĐ-CP)